Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ ba, 23/04/2024 08:04
TMO - Thời gian vừa qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao là giải pháp hiệu quả giúp mô hình HTX phát triển mạnh mẽ.
Tính đến hết 2023, toàn tỉnh Thái Bình có 461 HTX, quỹ tín dụng nhân dân; 1 liên hiệp HTX với hơn 465.000 thành viên. Các HTX, quỹ tín dụng nhân dân phát triển rộng khắp ở các huyện, thành phố. Liên minh HTX tỉnh đã thu hút được 440 thành viên, trong đó có 333 HTX, 85 quỹ tín dụng nhân dân và 22 doanh nghiệp.
Một số HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đặc biệt tại đại bàn huyện Hưng Hà, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, các HTX đã phát huy được hiệu quả tích cực trong quá trình hoạt động sản xuất.
Đơn cử như HTX dược liệu Vân Đài trên địa bàn xã Chí Hoà, huyện Hưng Hà, với diện tích khoảng 3ha, HTX dược liệu đã gieo trồng hơn 20 loại cây dược liệu gồm hoa hòe, ngưu tất, cà gai leo, ích mẫu,... Với định hướng xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao hướng đến nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, HTX từng bước cải tạo đất trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng các công nghệ nhân giống và gắn kết với các đơn vị nghiên cứu, đơn vị thu mua chủ động phát triển sản phẩm chế biến để tạo mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao và bền vững.
Đại diện HTX Vân Đài cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương pháp quản lý tổng hợp trên hệ thống điện thoại, máy tính, áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động cho toàn bộ cây trồng, HTX đã giảm được chi phí, nhân công, đồng thời nâng cao chất lượng cây trồng. Hệ thống tưới tự động mọi lúc, mọi nơi; có thể kết hợp nước tưới với bón phân và kiểm soát lượng phân bón đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Mặc dù HTX mới được thành lập nhưng hàng chục tấn dược liệu, các loại giống cây trồng đã được xuất bán cho các đơn vị khác trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương, mức thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng rau xanh trong nhà màng được HTX nông nghiệp xanh Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: KA).
HTX Nông trại hữu cơ Thái Bình, thôn Vĩnh Bảo, xã Minh Hòa cũng là một trong những HTX tiêu biểu đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Với tổng diện tích gần 20.000m2, được HTX quy hoạch thành 3 vùng tại cánh đồng thôn Vĩnh Bảo, trong đó hơn 1.000m2 bố trí xây dựng chuồng trại để trồng nấm và nuôi 6.000 con gà thịt; 1.000m2, làm nhà màng trồng các loại cây như: cà chua bi, nho hạ đen, nho sữa, bông cải xanh, dưa lưới... được trồng theo công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nước tự động bằng kỹ thuật nhỏ giọt hoặc phun sương; diện tích còn lại trồng măng tây, cây đu đủ đực và một số các loại cây ăn quả lâu năm.
Đại diện HTX nông trại hữu cơ Thái Bình cho biết, phương pháp trồng trọt theo quy trình truyền thống sẽ khiến HTX sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại việc ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát theo nhật ký điện tử nên lượng dinh dưỡng được giám sát chặt chẽ, không hao phí và có tính bao quát cao. Như hệ thống tưới nước tự động ngoài việc tưới nước còn tích hợp cả việc bón phân bằng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ... Quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng được chuyển đổi số, số hoá bằng cách sử dụng các trang thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng rộng hơn. Nhờ có các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nên giá trị sản phẩm cũng tăng cao hơn so với trước.
Năm 2023, HTX thu được trên 12.000kg gà thịt, 20 tấn nấm sò, bào ngư, 4.000kg nho hạ đen, 10.000kg hoa đu đủ đực, hàng trăm ki-lô-gam măng tây và các loại hoa quả... Doanh thu hàng năm của HTX gần 10 tỷ đồng. Hiện tại, các loại rau, quả của HTX được đóng gói và tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên...
Cùng với nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, HTX nông nghiệp xanh Trung An tại xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo HTX Trung An, xã Trung An có diện tích trồng rau chiếm 80% đất nông nghiệp tại địa phương, hiện tại HTX có 1 cánh đồng tập trung tại 1 thôn 2 xóm là 40,6 ha sản xuất quay vòng từ 7 đến 9 lứa rau/ 1năm và cho thu hoạch 15 đến 25 tấn rau/ ngày với 23 đến 25 các loại theo hướng hữu cơ.
Hợp tác xã đã đầu tư lắp đặt 6 nhà màng theo tiêu chuẩn Israel, tổng diện tích 1.500m2 với kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng. Nhờ đó, HTX đã triển khai sản xuất được 7 loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng cánh đồng rau an toàn gắn với phát triển du lịch…
Hướng tới mục tiêu phát huy hiệu quả to lớn mà mô hình HX mang lại, tỉnh Thái Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của kinh tế tập thể đó là tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản trị cán bộ HTX. Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố vận động, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX.
Thuỳ Trang
Bình luận