Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 22:01
Chủ nhật, 12/01/2025 06:01
TMO - Trong những năm gần đây, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) đã đẩy mạnh đưa máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó tạo ra sự đột phá là động lực cho nông dân tăng gia sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản...
Tính đến năm 2024, việc triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh Hà Nam đã thu được những kết quả tích cực. Các địa phương trong tỉnh đã được hỗ trợ tổng số hơn 150 máy cơ giới (gồm máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy). Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đã đạt 100%, khâu cấy máy đạt hơn 15% diện tích, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa đạt khoảng hơn 90%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng.
Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh Hà Nam đã tăng dần qua các năm: Năm 2021 là 1.252 ha chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; năm 2022 là 4.654 ha chiếm 8,01% diện tích gieo cấy; năm 2023 diện tích cấy máy toàn tỉnh là 9.644 ha (đạt 192,9% so với kế hoạch), chiếm 16,8% diện tích gieo cấy toàn tỉnh.
Các địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 2.000 ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân... Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị thu được cao hơn đại trà từ 5-15 triệu đồng/ha.
Đối với riêng địa bàn huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương - đến năm 2025, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch đạt 90%, gieo trồng đạt 60%... những năm qua, cùng với chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, nâng cao chất lượng cây trồng, cơ giới hóa trên đồng ruộng đã và đang được các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Liêm triển khai và thực hiện có hiệu quả. Hiện, tổng diện tích gieo cấy của Thanh Liêm khoảng 5.600 ha.
Trước đây, nông dân trong huyện chủ yếu áp dụng phương pháp gieo thẳng, chiếm trên 90%, nên dẫn đến tình trạng lúa cỏ nhiều, sâu bệnh phát triển, nông dân mất công tỉa dặm, ảnh hưởng đến năng suất lúa… Vì vậy, để khắc phục những hạn chế của phương pháp gieo thẳng, huyện Thanh Liêm đã lựa chọn gieo cấy làm khâu đột phá trong sản xuất lúa. Trên cơ sở triển khai hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020 – 2023 của tỉnh, các mô hình lúa cấy máy đầu tiên được Thanh Liêm thực hiện tại những nơi có diện tích lúa gieo thẳng bị ảnh hưởng nặng do lúa cỏ gây hại gồm các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN): Thanh Hà, Thanh Lưu và Bắc Sơn.
Mô hình phát huy được hiệu quả tích cực, xử lý tốt lúa cỏ, nâng cao năng suất, giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ…Từ hiệu quả đạt được, lúa cấy máy được mở rộng trong những vụ tiếp theo. Tại xã Thanh Hà đã thành lập tổ dịch vụ mạ khay cấy máy đầu tư 1 giàn máy gieo mạ khay, với trên 20 nghìn khay mạ và 3 máy cấy động cơ hiệu Kubota.
Hiện nay, diện tích lúa được cấy máy tại xã đã đạt 220 ha, bằng 55% tổng diện tích gieo cấy. Đại diện hộ tác xã trên địa bàn xã Thanh Hà cho biết, áp dụng cơ giới hóa vào khâu gieo cấy giúp phát huy tốt hiệu quả sản xuất. Từ hiệu quả đạt được, địa phương tiếp tục chỉ đạo nhân rộng diện tích lúa cấy máy thay thế toàn bộ lúa gieo thẳng. Hướng đi này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện lúa gieo thẳng đang gặp nhiều hạn chế dẫn đến giảm năng suất. Từ hiệu quả mô hình cấy máy ở xã Thanh Hà, Thanh Lưu (thị trấn Tân Thanh), Bắc Sơn (xã Liêm Sơn), đến nay, toàn huyện đã thành lập được 13 HTX, tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy.
Tổng diện tích thực hiện mỗi vụ đạt 2.600 ha, chiếm gần 50% diện tích lúa. Phần lớn các địa phương trong huyện đều có diện tích lúa cấy máy từ 120 ha trở lên (trừ thị trấn Kiện Khê, do diện tích đất nông nghiệp còn ít nên chỉ thực hiện cấy máy được 10 ha). Để mở rộng diện tích lúa cấy máy, Thanh Liêm còn khuyến khích người dân mua máy cấy cầm tay phục vụ sản xuất hộ gia đình.
Tính đến nay, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) có tổng số 177 máy cấy. (Ảnh minh hoạ: CG).
Tại huyện Thanh Liêm hiện có tổng số 177 máy cấy. Các địa phương hỗ trợ về mặt bằng để khay mạ đáp ứng nhu cầu diện tích lúa cấy máy đã được ký hợp đồng với người dân. Nhờ vậy nhiều xã có diện tích lúa cấy máy đạt từ 50 – 90% diện tích, như: Thanh Nghị, Thanh Tân, Liêm Phong, Liêm Cần… Lúa cấy máy đã đem lại hiệu quả cao, cơ bản ngăn chặn được lúa cỏ phát triển, ít sâu bệnh. Về năng suất lúa cấy máy cao hơn 15 – 20% so với lúa gieo thẳng. Hiện nay, cơ giới hóa trong nông nghiệp tại huyện Thanh Liêm được đẩy mạnh ở tất cả các khâu sản xuất; trong đó, khâu làm đất, bơm nước đạt gần 100% diện tích; thu hoạch trên 95% diện tích, vượt kế hoạch đề ra.
Khâu phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa được thực hiện khoảng 5% diện tích lúa và đang có xu hướng mở rộng… Theo tính toán những diện tích cơ giới hóa đồng bộ ở Thanh Liêm đạt hiệu quả cao hơn 20% cơ giới hóa một phần trước đây…Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng.
Khi áp dụng cơ giới hóa, sản xuất trên các cánh đồng được thực hiện cùng giống, cùng trà hình thành vùng sản xuất tập trung thuận lợi cho quá trình điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Máy móc nông nghiệp thay thế hiệu quả lao động thủ công, phù hợp với điều kiện chuyển dịch lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp.
Trên đồng ruộng của huyện, nhờ được áp dụng cơ giới đồng bộ ở các khâu, chỉ cần 1 – 2 lao động cao tuổi vẫn đảm nhận được toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình trước đây cần đến 4 – 5 lao động. Chi phí dịch vụ cơ giới chỉ bằng 40 – 50% so với thuê lao động thủ công. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho biết, yêu cầu sản xuất giai đoạn mới và quá trình chuyển dịch lao động là những yếu tố chính đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Tỷ lệ cơ giới hóa của từng khâu sản xuất đều tăng lên hằng năm, chủ lực hiện nay là áp dụng mạ khay, cấy máy…Trước tình hình biến đổi khí hậu gây bất lợi, chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, cùng với số lao động làm nông nghiệp ngày càng giảm, để người trồng lúa bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao đang là đòi hỏi cấp thiết. Việc thực hiện cơ giới hóa là xu thế tất yếu, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng.
Do đó việc áp dụng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hoá nông nghiệp nhằm giảm chi phí vật tư, giải phóng sức lao động và tăng năng suất lúa trên cùng diện tích canh tác, thay đổi thói quen canh tác manh mún lạc hậu là hướng đi đúng đắn không chỉ đối với huyện Thanh Liêm mà còn có ý nghĩa quan trọng với toàn ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam.
Hà Phương
Bình luận