Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Chủ nhật, 16/07/2023 06:07
TMO - Tại tỉnh Hưng Yên, các địa phương đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân...
Trong sản xuất lúa, địa phương này đã đẩy mạnh ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lúa cấy bằng máy có mật độ cây lúa đồng đều, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường; năng suất lúa tăng 10 - 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ.
Đối với khâu thu hoạch lúa, toàn tỉnh hiện có 627 máy gặt lúa các loại, mức độ cơ giới hoá trong thu hoạch lúa đạt 96,5%. Việc sử dụng phổ biến các loại máy gặt đập liên hợp giúp cho khâu thu hoạch lúa bảo đảm thời vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giảm đáng kể tổn thất, hao hụt. Ngành NN&PTNT tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay đạt hiệu quả cao trong cả 3 lĩnh vực gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất.
Trong lĩnh vực trồng trọt, khâu làm đất cơ bản được cơ giới hóa, đạt tỷ lệ trên 93,5%, trong đó tỷ lệ cơ giới hóa cây lúa đạt khoảng 99,8%; cây rau, đậu đạt 91,3%... Cơ giới trong gieo cấy lúa đạt tỷ lệ 19,3%, gieo trồng rau màu đạt tỷ lệ 4,6%; khâu tưới, tiêu nước đạt 90,5%; khâu thu hoạch chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, đạt tỷ lệ 96,5%. Trong chăn nuôi lợn, tỷ lệ cơ giới hóa khâu cho ăn đạt 55,3%, khâu nước uống đạt 73,8%; chăn nuôi gia cầm, tỷ lệ cơ giới hóa khâu cho ăn, nước uống đạt 64%; xử lý chất thải chăn nuôi lợn, gà bằng hầm biogas đạt 84,7%, đệm lót sinh học đạt 55,7%. Lĩnh vực thủy sản chủ yếu áp dụng cơ giới hóa với máy khuấy tạo oxy đạt 45%, thiết bị nghiền, trộn thức ăn đạt 37%.
Dự án đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, hỗ trợ phát triển cơ giới hóa các khâu sản xuất có thể áp dụng cơ giới hóa, nhất là các khâu lao động nặng nhọc, mất nhiều thời gian, nhiều công lao động, độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe của lao động nông nghiệp và các khâu, lĩnh vực sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Đối tượng được hỗ trợ gồm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua, sử dụng các loại máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Để bảo đảm tiến độ và kế hoạch của dự án, từ đầu năm đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị, nông hộ lập hồ sơ mua sắm máy móc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn vay vốn ưu đãi để mua sắm máy, thiết bị…
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 09/NQ-TU. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết; Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ do trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp...
Đào Lan
Bình luận