Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Chủ nhật, 20/08/2023 07:08
TMO - Tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh quan điểm thực hiện ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, là nguồn trí thức to lớn, động lực quan trọng để đẩy nhanh, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, thông qua chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Việc áp dụng chuyển đổi số sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã triển khai xây dựng phần mềm đánh giá, phân hạng và cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP trên thiết bị di động; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, đánh giá và cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên nhiều nền tảng số.
Cùng với đó, đơn vị cũng hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán sản phẩm trên mạng xã hội cho trên 2.500 chủ thể sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác, catalogue sản phẩm; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, HTX. Hiện nay, đa số các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng như: C-ThaiNguyen, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee...
Tính đến hết năm 2022, Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên có gần 6 triệu lượt người truy cập với tổng số hơn 2.500 sản phẩm được cập nhật, đã đăng 129 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn, hiện tại Sàn có gần 300 đơn vị tự đưa được sản phẩm lên trực tiếp. Sàn đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen của tỉnh. Đến hết năm 2022, có trên 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 15.000 giao dịch.
Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM trên điah bàn tỉnh còn một số hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu số hóa chưa đồng bộ; kỹ năng của người dân còn hạn chế…
Ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số. Ảnh: NK.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn. Chuyển đổi số đóng góp vào sự phát triển nông thôn mới bằng cách cung cấp các công nghệ và giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện quản lý tài nguyên và môi trường; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, cung cấp các dịch vụ công cộng tốt hơn. Xây dựng xã nông thôn mới thông minh và phát triển thương mại điện tử là mục tiêu hướng tới để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng nông thôn.
Để sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cần phát triển hệ thống thông tin địa phương và quốc gia với việc xây dựng một hệ thống thông tin kết nối các đơn vị và tổ chức liên quan trong việc triển khai chuyển đổi số và quản lý nông thôn mới thông minh.
Cụ thể, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số
Ngoài ra, cần thực hiện công tác đào tạo và nâng cao nhận thức công nghệ thông tin như tổ chức các khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và người dân nông thôn. Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số", với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dung công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Hợp tác xã nông nghiệp khi chuyển đổi số không chỉ tạo nên một cuộc cách mạng trong cách sản xuất nông sản, mà còn đang xây dựng một cộng đồng nông dân thông minh, kết nối và bền vững, góp phần đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của nông thôn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực, và nông nghiệp cũng không ngoại lệ.
Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của nhiều người nông dân trên khắp thế giới. Hợp tác xã nông nghiệp có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc áp dụng giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý tài nguyên, cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho cả hợp tác xã và cộng đồng.
Thu Hương
Bình luận