Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ hai, 19/02/2024 14:02
TMO - Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh là mục tiêu mà UBND tinh Vĩnh Phúc đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.
Các tiêu chí về nông thôn mới (NTM) thông minh đã được quy định rõ nét tại Quyết định số 1127/QĐ-BTTT, ngày 22/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về công bố các chỉ tiêu thuộc tiêu chí thông tin và truyền thông của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Để đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số vào chương trình xây dựng NTM, đạt các tiêu chí về NTM thông minh theo Quyết định số 1127/QĐ-BTTT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 với những mục tiêu, giải pháp trọng tâm, thiết thực.
Quá trình chuyển đổi số đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ số, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng (NTM) hướng tới mục tiêu phát triền nhanh chóng kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân của địa phương này.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, sau hơn 3 năm triển khai, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã có những thành quả nổi bật. Hiện nay, Vĩnh Phúc có 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tại các xã nông thôn mới nâng cao, người dân đã tiếp cận, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào đời sống sinh hoạt, tiêu thụ nông sản, sản xuất hữu cơ, gắn với phát triển các sản phẩm chế biến sâu.
Thời gian qua, nhiều bà con nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chủ động bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh. Từ đó, từng bước chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay đã có nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao điển hình như mô hình sản xuất nho siêu ngọt hạ đen; mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật làm mạ khay cấy máy, mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò thịt; mô hình trồng dưa lưới, dâu tây trong nhà màng hay mô hình sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trong bảo vệ thực vật... Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã mang đến những thuận lợi trong sản xuất như giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn phát thải vào môi trường.
Tại huyện Vĩnh Tường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã phối hợp với đơn vị chuyên môn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp xây dựng mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, bằng máy bay không người lái tại xã Yên Bình trên diện tích 70ha tại các xứ đồng: Đầy Trai, Đồng Xen, Đồng Trò, Đồng Nếp, Cầu Nôm, Giếng Đồng, Đồng Bông, Sốc Núi. Công nghệ máy bay không người lái có hệ thống phun tự động, chính xác, đồng đều, bay theo lập trình, ghi nhớ điểm phun, tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm nước, tiết kiệm thuốc, tiết kiệm nhân công lao động, thời gian phun nhanh hơn với phun bằng bình phun; giảm tiếp xúc trực tiếp của con người với thuốc. Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước do thuốc bám trên mặt lá lúa không bị rửa trôi trên đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến vi sinh vật đất, giữ được kết cấu đất, giảm thoái hóa đất.
Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Vĩnh Phúc triển khai hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, các địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Tại thôn Chùa, xã Ngũ Kiên còn thành lập trang Zalo “Thôn Chùa với pháp luật” và trang facebook “Thôn Chùa - Ngũ Kiên miền quê đáng sống”... để cập nhật liên tục, kịp thời các thông tin mới về chủ trương, chính sách đến người dân về lịch gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, tiêm phòng gia súc gia cầm...
Bên cạnh xã Vĩnh Tường thì xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương cũng là một trong 4 xã, thị trấn của tỉnh Vĩnh Phúc được chọn thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã. Đến nay xã Hướng Đạo đã cơ bản tạo nền tảng xây dựng xã nông thôn mới thông minh như hoàn thành lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh tại tất cả các thôn; hoàn thành nâng cấp hạ tầng mạng; xây dựng hệ thống giao tiếp với người dân thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại; khảo sát hệ thống máy tính, địa điểm lắp đặt camera an ninh phục vụ chuyển đổi số. 100% hồ sơ thủ tục hành chính của xã đã được giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2022, toàn xã có hơn 1.400 hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4…
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số ở khu vực nông thôn phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất nông nghiệp. Người dân nông thôn được tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tiếp cận thị trường... theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng nông thôn mới thông minh. Qua thống kê, Vĩnh Phúc hiện có hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử; trên 140 gian hàng được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu của Vĩnh Phúc đang được bày bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử như: mật ong Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, nấm Phùng Gia, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, cá thính Lập Thạch…
Cũng theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới , hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng đồng bộ, thống nhất với ít nhất 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử; ít nhất 40% đơn vị cấp huyện, cấp xã cung cấp ít nhất 1 dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới qua ứng dụng trực tuyến.
Chương trình này cũng đặt mục tiêu có ít nhất 70% các xã có hợp tác xã, 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ số. UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định chuyển đổi số là mục tiêu, là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân khu vực nông thôn.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Tiếp tục phát triển, triển khai các nền tảng xã hội số Vĩnh Phúc ID; Xây dựng thí điểm các mô hình xã, xóm NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở địa phương, xây dựng thí điểm các mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thùy Chi
Bình luận