Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ sáu, 19/04/2024 15:04
TMO - Bắt nhịp xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, an toàn.
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như trách nhiệm của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng tại tỉnh Hà Tĩnh. Cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại.
Hà Tĩnh có tổng diện tích rừng trên 300.000 ha, trong đó có trên 104.000 ha được chi trả tiền DVMTR. Theo kế hoạch chuyển đổi số của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc theo dõi, quản lý diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR cần được thực hiện khoa học, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, phù hợp với xu thế về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xuất phát từ thực tế đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng và triển khai phương án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu về diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR.
Năm 2023, Hà Tĩnh đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên 8,7 tỷ đồng (từ các Cơ sở sản xuất thủy điện, Cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch, Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, Cơ sở sản xuất công nghiệp) và đã tiến hành chi trả tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng bằng hình thức chi trả qua tài khoản ngân hàng (tỷ lệ trên 90%) cho 24 chủ rừng là tổ chức, UBND các xã; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và chi cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán. Nhờ ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại, hàng chục chủ rừng tham gia công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được tiền nhanh chóng, thuận lợi.
Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về chi trả tiền DVMTR không sử dụng tiền mặt, đến nay, Quỹ đã thực hiện chi 100% tiền DVMTR đối với các chủ rừng là tổ chức. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, Quỹ đã phối hợp với UBND cấp xã, dịch vụ thanh toán điện tử triển khai lập hơn 997 tài khoản cho các chủ rừng tại 5 xã thuộc huyện Hương Khê, Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Trên 90% chủ rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản/ví điện tử. (Ảnh minh hoạ).
Việc chi trả qua tài khoản điện tử đã giảm đáng kể khối lượng công việc của Quỹ tỉnh hay chủ rừng như rút tiền, phân chia, giảm tình trạng phải đưa tiền mặt đến các điểm vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi trong quá trình giám sát chi trả của cán bộ Quỹ hay chủ rừng. Bên cạnh đó thời gian cần thiết để hoàn thiện một quy trình chi trả đã được giảm một cách đáng kể từ hàng tuần đến chỉ còn vài phút. Phương pháp chi trả bằng công nghệ , chuyển đổi số (chi trả qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử) cũng đã nhận được phản hồi rất tích cực và mong muốn được sử dụng lâu dài của các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các bên liên quan.
Để việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt cho các chủ rừng được thuận lợi, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với các huyện, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản quy định về chính sách chi trả DVMTR của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP về Quy định chị tiết thi hành một số điều của luật lâm nghiệp; lợi ích từ việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt qua hệ thống tài khoản. Việc thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản đối với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cho thấy tiết kiệm chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn so với chi trả bằng tiền mặt.
Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; các đơn vị chủ rừng và quản lý rừng ở Hà Tĩnh có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng. Đồng thời có những tác động rõ nét đến công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các khu vực, địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt là chủ trương phù hợp với sự phát triển của thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá trong thực tiễn. Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục rà soát triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch, an toàn hơn việc trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt cho người dân trên phạm vi toàn tỉnh.
Thanh Nhàn
Bình luận