Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Chủ nhật, 04/08/2024 10:08
TMO - Hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại, ngành Nông nghiệp của tỉnh Nam Định đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để quảng bá nông sản OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh việc thị trường buôn bán truyền thống, những năm gần đây tỉnh Nam Định đã tăng cường duy trì, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của bà con nông dân trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhanh, mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tư vấn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tham gia thực hiện Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP bằng nhiều hình thức linh hoạt trực tiếp hoặc trực tuyến qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Zalo, Facebook..
Để các chủ thể OCOP phát triển cả về chất và lượng, trong giai đoạn 2019-2023, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 11,5 tỷ đồng (từ nguồn kính phí mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên để phát triển sản phẩm toàn diện về chất lượng, mẫu mã bao bì, nguồn nguyên liệu, quảng bá, phân phối sản phẩm và hỗ trợ tạo mã QR code phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Một số huyện trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP nổi bật như huyện Ý Yên thưởng 10 triệu đồng cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; huyện Hải Hậu hỗ trợ kinh phí các cơ sở sản xuất xây dựng các video clip để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; huyện Giao Thủy thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm OCOP 3 sao, 30 triệu đồng/sản phẩm OCOP 4 sao, 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP 5 sao…
Trong thời đại công nghệ số, xác định công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP là bước cuối quan trọng của chu trình OCOP thường niên, Sở NN&PTNT Nam Định đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng hay mạng xã hội…Ngoài việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành phố, các sở, ngành chức năng đã chú trọng tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến (online) hay các chương trình phát sóng bán hàng trực tiếp.
Cùng với thị trường buôn bán truyền thống, sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định được quảng bá, tiêu thụ rộng rãi trên nền tảng số (Ảnh minh họa).
Đồng thời còn hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn và trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok. Sở NN&PTNT còn hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Shopee… Phối hợp tổ chức ngày hội bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP”; chương trình livestream “Chợ phiên OCOP tỉnh Nam Định” tại fanpage “Sản phẩm OCOP Nam Định” trên nền tảng mạng xã hội Facebook…
Hiện toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử và nhiều sản phẩm OCOP khác được kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok. Nhận định từ một số chủ thể OCOP cho biết, nhờ đưa sản phẩm lên không gian mạng để giới thiệu, quảng bá và kinh doanh nên được người dùng biết đến nhiều hơn. Khách chỉ cần vào trang, xem mặt hàng, lựa chọn và mua hàng trực tuyến, để lại địa chỉ là các chủ thể sẽ kết hợp với đợn vị vận chuyển đưa hàng đúng chất lượng như đã giới thiệu đến tận tay người tiêu dùng. Kinh doanh cả 2 phương thức truyền thống và hiện đại giúp đầu ra sản phẩm của chủ thể OCOP cũng thuận lợi hơn.
Có thể nói, việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức đã giúp sản phẩm OCOP Nam Định đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng đã tạo bước đi vững chắc, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường.
Thúc đẩy chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể OCOP từ công đoạn sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cũng như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR Code để đáp ứng yêu cầu với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường.
Nhờ tăng cường chuyển đổi số, sau 5 năm thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Nam Định đã đạt được kết quả khả quan. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 235 chủ thể là cơ sở sản xuất ở 10 huyện, thành phố. Chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đã và đang đem lại hiệu quả tích cực, được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo ra hướng đi mới, bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp không chỉ đối với tỉnh Nam Định mà còn có ý nghĩa quan trọng với tất cả các địa phương trên cả nước.
Quỳnh Hoa
Bình luận