Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ hai, 22/01/2024 08:01
TMO - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại.
Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho biết, trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số như một xu thế tất yếu trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, trong những năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại thực hiện theo Quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 22/11/2021 về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM.
Giai đoạn 2021-2030, Cục triển khai rất nhiều những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM và mục tiêu nòng cốt là tập trung xây dựng hệ sinh thái XTTM số trong hệ sinh thái XTTM số này, Cục triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động mà XTTM trực tiếp để hỗ trợ những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Theo đó, trong những năm qua, Cục triển khai rất nhiều hợp tác với sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, như sàn thương mại điện tử Alibaba.com, Amazon.com, nền tảng thương mại điện tử Tiktok, sàn thương mại điện tử trong nước, ví dụ như là Tiki, Shopee, Lazada và Voso nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả trên. Bên cạnh đó, Cục phối hợp những sàn thương mại điện tử (TMĐT( để xây dựng những gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới thúc đẩy giao dịch hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu thông qua sàn TMĐT.
Trong năm 2023, nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang triển khai xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (DECOBIZ). Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số là nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại gồm nhiều cấu phần nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.
Livestream theo nhóm bán đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến của người dân. Ảnh: BTN.
Trong đó, một số cấu phần đã phát triển và triển khai như: Hệ thống thống quản trị thông tin điều hành xúc tiến thương mại; hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) với một số mô-đun cơ bản, tích hợp các kho học liệu nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (iTrace247); nền tảng bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩn nông sản có tiềm năng xuất khẩu; nền tảng hội chợ, triển lãm… cùng một số cấu phần khác đang được nghiên cứu, phát triển và lên kế hoạch triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, trong Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Cục triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số. Theo đó, tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, doanh nghiệp không chỉ được hưởng lợi đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại mà còn được hỗ trợ thông tin thị trường, huấn luyện và tư vấn trực tiếp tại chỗ, marketing và xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, hệ sinh thái xúc tiến thương mại số còn giúp các tổ chức xúc tiến thương mại có công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, tự quản lý công cụ và nền tảng dùng chung.
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu của nhiều doanh nghiệp và đã xuất hiện nhiều bài học thành công. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng và phát triển trong việc kinh doanh trên sàn TMĐT, theo các doanh nghiệp, họ cũng phải vượt qua rất là nhiều thách thức và khó khăn. Ngoài những chi phí liên quan đến việc phân phối, sản xuất hàng hóa thì doanh nghiệp còn phải gánh thêm những chi phí liên quan marketing, chi phí lưu kho hàng, chi phí vận tải,… Đối với những doanh nghiệp lớn, khi họ đã có những kinh nghiệm tham gia vào các sàn TMĐT lâu năm thì họ sẽ tối ưu hóa những chi phí này. Nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ, mới tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới thì họ sẽ cần phải có những đơn vị tư vấn hỗ trợ họ trong việc tối ưu hóa những chi phí này.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể kinh doanh hiệu quả trên môi trường số, ông Dương cho biết, trong thời gian tới, Cục XTTM sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái XTTM số, nằm trong Quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 22/11/2021 về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Cục sẽ đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn TMĐT trong và ngoài nước tìm kiếm những sàn TMĐT lớn hơn, những sàn TMĐT phù hợp hơn, có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với những doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh trên sàn TMĐT.
Hiện nay, Cục XTTM cũng đã và đang tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương ký kết rất nhiều những thỏa thuận hợp tác với những sàn TMĐT lớn trên thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trên những sàn này và những nỗ lực của Cục Xúc tiến thương mại cũng đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được những thị trường quốc tế và khách hàng quốc tế.
Năm 2024, Cục XTTM tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Nguyễn Hạnh
Bình luận