Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Chủ nhật, 21/05/2023 06:05
TMO - Là một tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, Hậu Giang đang triển khai nhiều chương trình, dự án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tăng cường chuyển đổi số ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng được địa phương này triển khai.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của nhiệm kỳ là: “thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”.
Ngày 02/12/2020 Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 Thực tế, Hậu Giang có thổ nhưỡng và nguồn nước phù hợp phát triển nông nghiệp; Hậu Giang có truyền thống nhiều thế mạnh nông nghiệp và quỹ đất sạch rất lớn. Vấn đề trước mắt có tính nền tảng là đầu tư khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới và thu hút các doanh nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi sản xuất với tiêu thụ sẽ đem đến thành công.
Tỉnh xây dựng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng chuyển đổi số nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, tỉnh ứng dụng nền tảng WebGIS để xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp trực tuyến dưới dạng mã nguồn mở. Ứng dụng giúp cập nhật, truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, dự đoán tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng, tạo bản đồ phân tích dịch hại để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao năng suất, tạo được vùng nguyên liệu chất lượng và ổn định.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn và phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Xây dựng và đưa vào vận hành Sàn Giao dịch và truy xuất nguồn gốc "Nông sản Hậu Giang" với tên miền: https://nongsanhaugiang.com.vn, ứng dụng trên điện thoại là Agri360 (NS Hậu Giang). Tỉnh đồng thời ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, ngành kiểm lâm tỉnh cũng đang triển khai phần mềm QGIS phiên bản 3.06 để theo dõi, cập nhật tình trạng của rừng hằng tháng, quý và năm; ngành thủy lợi lắp đặt 10 trạm quan trắc để đo độ mặn tự động; ngành thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin-sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản; ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng...
Tỉnh đã áp dụng phần mềm quản lý, giám sát mã số vùng trồng được cấp mã của Cục Bảo vệ thực vật (áp dụng hệ thống tưới tự động trên cây trồng).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành; trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OCOP; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi... Để chuyển đổi số ngành nông nghiệp có thể đến với mọi người, mọi nhà, thời gian tới, tỉnh dự kiến đưa ra nhiều chính sách định hướng chuyển đổi số nông nghiệp thành công.
Cụ thể, thông qua các phương tiện truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, để từ đó truyền cảm hứng về chương trình, định hướng kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang.
Công chức viên chức ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân sử dụng các app, phần mềm của tỉnh của ngành; tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, các mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác). Xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử. Bên cạnh đó là xây dựng các thiết bị thông minh như nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước; lắp đặt bẫy đèn thông minh; hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm...
Mới đây, trong khuôn khổ của Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp bền vững” do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, nhiều đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành nông nghiệp cũng được trao đổi, thảo luận tại hội thảo, như: xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành nông nghiệp; hệ thống báo cáo thông minh; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; ứng dụng GIS - Quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp,…
Sự hữu ích của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP. Bên cạnh là xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP đang là vấn đề cần thiết hiện nay. Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…
Để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng địa phương này cần xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính, có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, hộ kinh doanh).
Để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững, doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thay đổi biện pháp kỹ thuật trong canh tác hoặc chăm sóc; lựa chọn sản phẩm có giá trị cao ứng dụng công nghệ phù hợp; ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch; kết hợp công nghệ cao với năng lượng tái tạo, du lịch để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Công nghệ được sử dụng trong dự án ứng dụng công nghệ cao với ngành Nông nghiệp phải là công nghệ thế hệ mới, thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là công nghệ gen ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị; công nghệ chuyển gen trên động vật, thực vật, vi sinh vật định hướng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường; công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị; ứng dụng trong thay thế các mô, cơ quan; công nghệ tế bào mô, phôi động vật; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ sinh học.
Lê Đức
Bình luận