Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ tư, 24/07/2024 07:07
TMO - Tỉnh Kon Tum xác định việc ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những giải pháp mang tính quyết định để “tăng tốc” ngành du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh Kon Tum đạt trên 1,56 triệu lượt người với tổng doanh thu đạt 427 tỷ đồng. Là tỉnh sở hữu nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản, nên Kon Tum rất phù hợp cho phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái. Do đó, trong định hướng chung của tỉnh Kon Tum, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang là hướng đi mới tích cực được kỳ vọng là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bên cạnh đó Kon Tum có lịch sử truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” đã trở thành điểm thu hút du khách. Ngoài ra còn có hàng trăm sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng vùng miền…là những điều kiện thuận lợi để địa phương này phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Do đó để đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan và khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa đặc sắc vốn có, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu trong đó có lĩnh vực du lịch. Với xu thế chung của quốc tế và quốc gia về chuyển đổi số trong phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum cũng đã xác định các mục tiêu để hiện thực hoá Đề án trên, trong đó xác định ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một trong những giải pháp mang tính then chốt, quyết định.
Trong thời gian tới, các cấp các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số du lịch, trong đó chú trọng một số vấn đền về ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện. Xây dựng phần mềm trợ lý ảo trả lời tự động du lịch Kon Tum (ứng dụng chatbot) tích hợp trang thông tin du lịch.
Đoàn viên, thanh niên quét mã QR tìm hiểu lịch sử khu di tích Ngục Đăk Glei tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). (Ảnh minh hoạ: TN)
Ngoài ra nâng cấp cổng thông tin điện tử, dùng để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh; đăng tải, cập nhật tin tức sự kiện chủ yếu về lĩnh vực du lịch trong tỉnh và trong nước, cung cấp các thông tin cần thiết cho khách du lịch về các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương; đăng tải các cơ chế, chính sách phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum,… là kênh liên kết, kết nối dưới góc độ quản lý nhà nước về xúc tiến, quảng bá du lịch Kon Tum với các địa phương trong cả nước; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch cho các tỉnh thành viên của các nhóm liên kết; Tự động hoá việc trả lời, tư vấn du khách về thông tin các địa điểm du lịch trên địa bàn.
Song song với đó là số hóa điểm đến du lịch Nhà Thờ Gỗ nhằm bảo tồn di tích, di sản và tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng bằng cách cho phép du khách truy cập liên tục các dữ liệu để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ. Triển khai các kios (màn hình tra cứu thông tin) tự động, giúp du khách tìm hiểu các thông tin các địa điểm du lịch tại địa phương.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sự tăng trưởng của ngành du lịch của tỉnh Kon Tum trước hết phải nói đến sức hút từ các điểm đến, nhất là các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, tạo điểm nhấn mới mẻ, thu hút được sự quan tâm của du khách. Đây là tín hiệu cho thấy các địa phương, đơn vị đã có sự quan tâm, đầu tư làm mới, đa dạng hóa các hoạt động du lịch để tăng thêm sức hấp dẫn với khách du lịch.
Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người, lực lượng lao động phục vụ trong ngành du lịch khoảng 3.000 người; tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh.
Với những bước đi ban đầu đúng hướng trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch, Kon Tum đang phấn đấu trở thành điểm đến du lịch theo hướng nông nghiệp nông thôn được yêu chuộng của du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của địa phương.
Xuân Trường
Bình luận