Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ hai, 22/07/2024 08:07
TMO - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, là giải pháp tối ưu đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở. Chuyển đổi số hiệu quả đưa ngành du lịch phát triển đột phá.
Thông tin từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2024, ngành Du lịch đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỉ đồng.
Có được kết quả trên là nhờ các cơ quan liên quan đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và quảng bá, cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Đơn cử như khách hàng có thể lên các trang thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến tìm hiểu, chọn điểm đến, đặt vé máy bay, phòng lưu trú, thanh toán trực tuyến và đánh giá dịch vụ sau trải nghiệm… Cũng trên môi trường số, tại điểm đến, du khách thuận lợi hơn trong tìm hiểu, trải nghiệm qua hệ thống thống thuyết minh tự động hoặc quét mã QR code để có thông tin đầy đủ về điểm đến.
Như tại tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, rất nhiều địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đã được gắn mã QR để du khách có thể quét và tự tìm hiểu về lịch sử, văn hóa một cách chính xác và rõ ràng. Việc này không chỉ giảm khối lượng công việc cho đội ngũ ban quản lý, hướng dẫn viên du lịch mà còn thuận tiện cho những người đi du lịch một mình. Tại TP Móng Cái đã triển khai gần 20 mã QR gắn với thuyết minh tự động tại các điểm di tích, lịch sử, du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu, như Đình Trà Cổ, đền Xã Tắc, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm Móng Cái, Cột mốc 1368... Thông qua quét mã QR giúp du khách và nhân dân dễ dàng truy cập tìm hiểu đầy đủ các nội dung về tư liệu, hình ảnh, video giới thiệu tổng quan về các tuyến điểm du lịch.
Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin, lựa chọn các dịch vụ tiện ích tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: MH.
Hay tại TP.Hà Nội, hiện nay nhiều di tích, điểm du lịch của Hà Nội đã triển khai bán vé điện tử và thuyết minh tự động, số hóa các dữ liệu thông tin bằng mã quét QR để du khách dễ dàng tra cứu, điển hình như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng nghề gốm sứ Bát Tràng…
Thủ đô Hà Nội đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động du lịch, đồng thời thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội thông tin thêm, việc số hóa giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan. Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều tiện ích khác, như Bản đồ số các điểm đến, địa chỉ ẩm thực cho du khách…
Còn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những địa phương tích cực chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực là Đồng Tháp, trong đó Đồng Tháp đặc biệt chú trọng chuyển đổi số ngành du lịch. Tỉnh thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện nền tảng ứng dụng công nghệ hiện có phục vụ du khách, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Cổng Thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch...; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ du khách cùng các chủ thể liên quan hoạt động du lịch.
Du khách quét mã QR để sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại một điểm du lịch thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đơn vị đang vận hành hiệu quả Cổng thông tin Du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tại địa chỉ https://dulich.dongthap.gov.vn, cung cấp thông tin về các điểm, sản phẩm và dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi thông tin khách du lịch; thực hiện việc thống kê, báo cáo phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch. Ở nhiều điểm đến như Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu Văn hóa Phương Nam, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Làng hoa Sa Đéc, công nghệ thực tế ảo (VR) đã được sử dụng, giúp du khách thuận lợi tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, khu du lịch, nâng cao giá trị điểm đến.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh là xu thế tất yếu và là một trong những định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu. Không nằm ngoài xu thế, du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với công nghệ để phát triển du lịch số, du lịch thông minh, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao hiệu quả quảng bá, phát triển du lịch bền vững.
Để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng thông minh hiện đại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024, "Về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới". Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.
Với những định hướng, hành động và quyết tâm trong đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế là ngành “công nghiệp không khói” mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Hằng Nga
Bình luận