Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ tư, 24/04/2024 14:04
TMO - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực đột phá cho sự phát triển của mọi lĩnh vực, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong đó có ngành tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận, trong năm 2023 công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt gần 2.744 ha/2.000 ha (đạt hơn 137% kế hoạch giao). Sở tham mưu tỉnh cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản thông thường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 30 tỷ đồng; có thêm 13 xã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, nâng tổng số lên 71/124 xã cập nhật, vận hành dữ liệu này trong tỉnh.
Việc thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp đạt 44,5 tỷ đồng/25 tỷ đồng (đạt 178%); giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo 33/37 đơn, đạt 89% (chỉ tiêu UBND tỉnh giao trên 85%), các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo đạt tỷ lệ sớm và đúng hẹn trên 99%.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được tăng cường ứng dụng ở mọi lĩnh vực, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời giúp lực lượng chức năng, chính quyền nâng cao hiệu quả quản lý ngành tài nguyên môi trường.
Thời gian qua, địa phương này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh để quản lý, giám sát tài nguyên khoáng sản. Đây là công cụ cần thiết để hỗ trợ cho các nhà quản lý thuận tiện trong việc theo dõi tình hình hoạt động khoáng sản của các khu vực mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận một cách nhanh chóng, đơn giản; cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của các khu vực mỏ đã được cấp phép; theo dõi sự biến động về hiện trạng của các khu vực quy hoạch khoáng sản qua hình ảnh vệ tinh.
Đặc biệt giải pháp này phù hợp theo chủ trương của tỉnh về việc áp dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin, sử dụng nguồn ảnh vệ tinh để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Theo Sở TN&MT Bình Thuận, dự án Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được Sở TN&MT phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thành.
Dự án xây dựng trên phần mềm ứng dụng WebGIS, ứng dụng mobile, sử dụng ảnh vệ tinh (Sentinel 2 miễn phí) giúp cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã theo dõi tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trên giao diện máy vi tính, điện thoại di động, hình ảnh googlemap người dùng có thể quan sát kịp thời tổng thể các khu vực mỏ, thông tin đầy đủ tính pháp lý, tình hình hoạt động khai thác của các khu vực mỏ đã cấp phép; ranh giới các quy hoạch khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, khu vực dự trữ khoáng sản, để đối chiếu kiểm tra thực tế ngoài thực địa.
Thông qua đó, các cán bộ phụ trách công tác khoáng sản cấp tỉnh, huyện, xã nhận tin báo qua email, điện thoại cảnh báo các điểm biến động địa hình, hiện trạng theo địa bàn quản lý; xem ảnh vệ tinh, vị trí, tọa độ, truy xuất thông tin các lớp bản đồ khu vực cảnh báo làm cơ sở xác minh, xử lý theo quy định (phần mềm đang sử dụng ảnh Sentinel 2 – độ phân giải 10m loại miễn phí nên chỉ phát hiện cảnh báo khi có sự thay đổi hiện trạng trên 0,5 ha, thời gian cảnh báo 15 ngày/lần).
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận còn đẩy mạnh giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Theo Sở TN&MT tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 71/124 xã đã được cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và tích hợp cơ sở dữ liệu lên hệ thống để tập trung cơ sở dữ liệu, từ đó dễ dàng chia sẻ dữ liệu dùng chung đến cơ quan thuế cấp huyện, tỉnh, để thực hiện thông báo thông tin về thuế cho người dân.
Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, triển khai các quy trình nội bộ các thủ tục hành chính trên phần mềm Một cửa được quy định tại Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 3/3/2023 của UBND tỉnh đồng bộ thống nhất liên thông từ cấp xã, cấp huyện đến Văn phòng Đăng ký đất đai. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào từ khâu tiếp nhận ban đầu đối với thủ tục đất đai trên toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành TN&MT (Ảnh minh hoạ: ĐH).
Đối với công tác ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai một số thủ tục hành chính về đất đai theo Đề án 06.
Sở TN&MT tỉnh cho biết, Sở đã xác định các nhiệm vụ cần ưu tiên chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025 là: Xây dựng cơ sở dữ liệu Kho số lưu trữ. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu Kho số lưu trữ thông tin, tư liệu tài nguyên và môi trường, mua sắm bổ sung trang thiết bị và các nội dung khác có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng hệ thống thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường tỉnh.
Để hoàn thành các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số, Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh rà soát, tăng số lượng thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến của Sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác số hóa hồ sơ từ khâu đầu vào đối với các hồ sơ mới tiếp nhận và kho hồ sơ từ các năm về trước.
Năm 2024, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu 1.600 ha, tham mưu trình HĐND tỉnh Bảng giá các loại đất tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2025- 2029; hoàn thiện phương án trình Hội đồng thẩm định giá đất ít nhất 80% các dự án được đơn vị tư vấn xây dựng. Sở cũng trình tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến 2025; hoàn thành công tác kiểm kê đất đai; 33 xã, phường triển khai dự án tổng thể, hoàn thành các lĩnh vực khác do sở phụ trách.
Phấn đấu trong năm 2025, hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, nhanh chóng trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, hệ thống định vị…cho phép cập nhật, xây dựng dữ liệu, giúp ngành TN&MT tỉnh Bình Thuận tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát chặt chẽ lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường.
Vân Chi
Bình luận