Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ tư, 27/09/2023 07:09
TMO - Tỉnh Phú Thọ xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị phát triển cho nông sản, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ chuyển đổi số được xây dựng trên ba trụ cột gồm: Bộ số; kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số; nông dân số.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động. Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng/hình ảnh, dễ sử dụng cho người dân. Trong đó, phần mềm và ứng dụng đã tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản.
Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ”, tạo nền tảng thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp nhằm chuẩn hóa quy trình sản suất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị từng sản phẩm.
Hiện đã có 50 cơ sở sản suất nông sản hàng hóa và sản phẩm OCOP áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bằng phần mềm Agritech. Các cơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý, cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản xuất theo thời gian; mã hóa, xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR… Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng/hình ảnh đáng chú ý, rất dễ sử dụng cho người dân.
Thu hoạch chè bằng máy được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai. Ảnh: TN.
Thực hiện chuyển đối số trong nông nghiệp, toàn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm 166 vùng bưởi với diện tích hơn 2.600ha; 70 vùng chè với diện tích 5.800ha; 33 vùng chuối với diện tích hơn 1.000ha; cấp được 41 mã số vùng trồng với diện tích gần 1.500ha cho các sản phẩm như chuối, bưởi, rau; hơn 3.000ha bưởi sản xuất theo hướng an toàn; 78% cây trồng chính được ứng dụng quản lý dịch hại; 25 hợp tác xã, 82 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài ra, Sở đã chuyển giao nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô cho nhiều giống cây nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh triển khai. Hiện nhiều hợp tác xã đã có trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có fanpage trên mạng xã hội. Nhờ đó, lượng khách ở các tỉnh, thành phố khác biết đến, đặt hàng chè xanh Cẩm Mỹ thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng. Từ chính sách khuyến công và các nguồn vốn hỗ trợ khác, hợp tác xã được hỗ trợ một phần vốn đầu tư máy móc, mua máy sao chè bằng gas, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng.
Nhiều hợp tác xã phổ biến đến các hộ dân áp dụng sổ nhật ký điện tử vào trồng, chăm sóc, thu hoạch chè. Đồng thời đầu tư sử dụng hệ thống tưới phun mưa cho cây chè vừa tiết kiệm nước, vừa bảo đảm chất lượng chè nguyên liệu Việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân thay đổi tư duy kinh tế; đảm bảo việc sản xuất kinh doanh ổn định, từ đó có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Ngoài ra, các hợp tác xã được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu; tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm. Hợp tác xã đã đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số (Internet banking), Mobile money… để thuận tiện hơn cho khách hàng. Nhờ việc ứng dụng số đã giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện, an toàn, giảm bớt giấy tờ, thời gian, nhân lực.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều sản phẩm nông sản của Phú Thọ mới chỉ sản xuất sản phẩm ở dạng thô, chưa qua chế biến sâu, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chưa có nhãn hiệu sản phẩm và gắn tem truy xuất nguồn gốc. Việc áp dụng chuyển đổi số còn gặp không ít khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu, quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún…
Ðể phát triển ngành nông nghiệp số, ngành nông nghiệp Phú Thọ sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số như tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành về chuyển đổi số trong sản xuất cho người nông dân; hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, kết nối với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp.
Thanh Nga
Bình luận