Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ sáu, 18/08/2023 07:08
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chuyển đổi số là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng đạt lợi nhuận cao nhất.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn vẫn cần được cải thiện. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành NN&PTNT trong thời gian tới. Hiện nay, tỉ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao. Đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.
Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước tại cấp trung ương, địa phương, mà còn của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều mô hình thí điểm về ứng dụng số hóa trong sản xuất, thu hoạch, phân phối một số loại nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa, tôm, cà-phê, cây ăn trái… và đã đạt được những thành công nhất định.
Chuyển đổi số là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng đạt lợi nhuận cao nhất.
Hiện nay, tại Bình Thuận, tỷ lệ hộ dân trồng thanh long sử dụng đèn led thay thế Compact là: Trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP: 73%; VietGAP: 45%; hữu cơ: 50%; truyền thống: 35%. Nhờ việc chuyển sử dụng bóng điện chiếu sáng cho cây thanh long từ bóng Compact sang đèn Led có thể giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng, giúp sản xuất thanh long xanh hơn, góp phần bảo vệ môi trường.
Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã hợp tác với Bộ NN&PTNT trong việc đầu tư vào một số giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp. Trong đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon được số hóa đã được thiết lập cho hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và tôm. Công cụ này rất cần thiết đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng để hoạt động trong một nền kinh tế xanh, nơi mà việc tuân thủ các "chuẩn mực xanh" và "tiêu chuẩn xanh" là điều được yêu cầu như một xu hướng mới.
Với hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon được số hóa, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ "thực hành xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành NN&PTNT.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cơ hội lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao không chỉ đối với chất lượng sản phẩm, mà còn cả về mẫu mã và các tiêu chuẩn về môi trường.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đức Hoàng
Bình luận