Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ ba, 12/03/2024 08:03
TMO - Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp được TP. Cần Thơ xác định là yếu tố quan trọng trong quá trình gia tăng giá trị, cơ cấu sản xuất hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến.
Thông tin từ UBND TP. Cần Thơ cho biết, TP. Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp là 114.034ha (trên 79% diện tích đất tự nhiên), trong đó diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000ha, cây ăn trái khoảng 25.000ha (chuyên canh 11.880ha), diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 10.000ha. Hằng năm, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn, trên 200.000 tấn trái cây, trên 250.000 tấn thủy sản. Ðây là lợi thế để Cần Thơ phát triển ngành nông nghiệp mạnh mẽ.
Trong năm 2023, sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đã đạt mức 3,22% trong năm 2023, vượt khá cao so với con số 2,2-2,5% theo kế hoạch đã đề ra. Để đạt được những kết quả đó, ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngành Nông nghiệp thành phố đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, cũng như thành lập các hợp tác xã (HTX) và tổ, nhóm làm dịch vụ kỹ thuật để làm các dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nhiều khâu trong quá trình sản xuất lúa như làm đất, thu hoạch, bơm tưới nước... đã được cơ giới hóa hầu như hoàn toàn và nông dân cũng áp dụng nhiều loại máy móc, thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Máy cảm biến Khí tượng Thuỷ văn đặt trên cánh đồng lớn thuộc phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) (Ảnh: HV).
Cùng với đó, thông qua nhiều cuộc hội thảo, hội nghỉ, mở các lớp tập huấn, kết hợp với việc tuyên truyền thông tin đại chúng, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các cấp ủy đảng cơ sở, đơn vị trực thuộc, người dân và doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp đã tiến hành cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho 222 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, với 480 sản phẩm, trong đó có 61 sản phẩm OCOP và 158 sản phẩm đã được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 308 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Cần Thơ.
Ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ còn đẩy mạnh phối hợp cùng các đơn vị viễn thông, doanh nghiệp khác để xây dựng và quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng và lắp đặt các hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tự động (IoT), triển khai áp dụng các công cụ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số như nền tảng “Mạng nhà nông”, nền tảng (app) MobiAgri trên cây trồng, phần mềm Ricemo phục vụ quản lý sản xuất lúa.
Để thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, TP. Cần Thơ đã thiết lập trang thông tin điện tử (chonongsancantho.vn) phục quảng bá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản hàng hóa. Hiện đã có 102 đơn vị, doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm tại trang thông tin điện tử trên và có hơn 84.015 lượt truy cập.
Thời gian qua, TP. Cần Thơ tiếp tục thực hiện minh bạch hóa sản xuất và chuẩn hóa sản xuất đáp ứng các yêu cầu thị trường về sản phẩm chất lượng, an toàn, có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến nhất là sản phẩm nông sản trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số hơn nữa, đồng thời mở các lớp tập huấn, toạ đàm về chuyển đổi số để hướng dẫn người dân tiếp cận, khuyến khích người dân ứng dụng, khai thác hiệu quả các thiết bị, công nghệ mới. Thực hiện chuyển đổi số trong Nông nghiệp tại TP. Cần Thơ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huy Trung
Bình luận