Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ sáu, 13/10/2023 14:10
TMO - Việc ứng dụng công nghệ số đang góp phần nâng cao công tác quản lý và lan tỏa giá trị của những di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang quản lý 43 điểm di tích, trong đó có 5 Di sản Văn hóa thế giới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được UNESCO vinh danh gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai bước đầu đề án chuyển đổi số như, tạo lập cơ sở dữ liệu GIS về quy hoạch phân vùng chỉ giới di tích; ứng dụng vé điện tử; triển khai app hướng dẫn các điểm tham quan trong Đại Nội Huế.
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai số hóa nguồn tư liệu, hiện vật, các giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội, phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị về lâu dài. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã số hóa hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ (hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản), 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Hai công trình di tích tiêu biểu là điện Thái Hòa và Hiển Lâm các được số hóa; cùng 206 hiện vật/bộ hiện vật, trong đó có 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia... Hiện nay, Trung tâm đang chuẩn bị số hóa 3D hơn 10.000 cổ vật, hiện vật mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang bảo quản.
Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Đại Nội Huế.
Từ tháng 7- 9.2023, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Tin học Việt Nam và các chuyên gia từ Google về công nghệ mới như: NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối thực - số, giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hoá của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đồng thời, kết nối thử nghiệm lên không gian Thực - Số một số hiện vật quý của Cung đình Huế; đến nay, có thể giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ số trong khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của di sản, văn hóa, lịch sử, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai đề án “Chuyển đổi số tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2022-2025”. Đề án nhằm xây dựng dịch vụ chính quyền số và hệ thống cơ chế, chính sách; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; triển khai các loại hình ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) văn hóa, di sản.
Từ đó, tạo ra các giá trị và sản phẩm du lịch mới phục vụ phát triển du lịch và phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa Huế, tri thức bản địa... đề án hướng đến các giải pháp nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đồng thời, phát triển hạ tầng nền tảng và hạ tầng thiết bị chuyên dụng, xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số tại trung tâm.
Trên cơ sở những kiến trúc nghiệp vụ tổng thể của lớp văn hóa và giải trí thông minh trong hệ thống cấu trúc ICT tỉnh Thừa Thiên Huế, mô hình thể chuyển đổi số tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với các ứng dụng sẽ xây dựng dựa trên 4 lớp ứng dụng chính: Bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể; du lịch thông minh, thư viện thông minh, cổng thông tin điện tử. Đề án rà soát, nâng cấp hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin gồm hệ thống truyền dẫn, hệ thống lưu trữ, camera, server, máy tính, máy scan, các thiết bị phục vụ cho công tác số hóa; nâng cao năng lực các thiết bị phục vụ ở các điểm bán vé, kiểm soát vé; xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung cho CSDL chuyên dùng phục vụ dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị vật thể, phi vật thể…
Đề án cũng xây dựng hệ thống dữ liệu và kho tri thức số của trung tâm với các dịch vụ chia sẻ, khai thác dữ liệu, gồm các phân hệ quản lý cơ sở dữ liệu các điểm di tích, công trình kiến trúc, hạ tầng, cơ sở dữ liệu công tác bảo tồn, trùng tu di tích; xây dựng, cung cấp các dịch vụ du lịch đặc thù, chú trọng các trải nghiệm khách hàng với công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường tại các điểm di tích; phối hợp các bên liên quan trong việc phát huy các giá trị di sản trên các nền tảng số với các ứng dụng Blockchain, AI và dữ liệu đa phương tiện…
Thu Trang
Bình luận