Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ ba, 02/01/2024 08:01
TMO - Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác bảo tồn di tích, di sản là hết sức cần thiết. Đây chính là cầu nối đưa các di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian.
Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTT&DL) cho biết, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa này đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu thực hiện công tác bảo tồn di tích cũng như cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. hiện nay tại nhiều địa phương, đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long…, số hóa các tài liệu Hán Nôm các văn bản, tư liệu Hán Nôm sưu tầm tại các di tích. Đây là thành tựu bước đầu, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích.
Thành phố Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau (Di sản vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Di sản tư liệu: Mộc Bản, Châu Bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).
Cùng với các địa phương trên cả nước, Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong bảo tồn di sản.
Do đó, hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số các di sản văn hóa trong thời gian tới. Một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...
Bắc Ninh là địa phương sở hữu di sản văn hóa phong phú về loại hình và giàu có về giá trị, với 1.589 di tích, trong đó có bốn Di tích quốc gia đặc biệt; 17 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; bốn Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, cùng hơn 500 lễ hội. Xác định di tích, di sản là thế mạnh trong phát triển du lịch, tỉnh đã sớm xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn.
Ðược biết đến là một địa chỉ du lịch trong hành trình khám phá những miền di sản, thời gian qua, Bắc Ninh đã luôn nỗ lực đưa di sản văn hóa, nguồn tài nguyên có sức hấp dẫn mạnh mẽ, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ðón đầu làn sóng chuyển đổi số, Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc hoàn thiện số hóa tổng thể hệ thống di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá di tích, đến giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã đầu tư gần 45 tỷ đồng để thực hiện đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật và các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn thiết kế mẫu, chọn lọc tài liệu lịch sử, cập nhật nhiều thông tin hữu ích, tổng hợp những bài thuyết minh hấp dẫn chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 60 điểm di tích nổi tiếng, di tích cách mạng được trang bị bảng quét mã QR. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của Ban Quản lý di tích tỉnh.
Tháng 9/2022, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Ðề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Ðề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030 vừa được thông qua, cũng nêu rõ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cần xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số, thư viện số.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa bảo tồn di tích cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng các nội dung cần thực hiện số hóa, xác định các tiêu chí thực hiện, các di tích cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản vẫn còn nhiều khó khăn như xây dựng kho dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng được nhu cầu phát triển. Phần mềm dùng chung có hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, quản lý và khai thác riêng, chưa có liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của văn hóa di sản là hết sức cần thiết, đây sẽ là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với người dân, du khách; đóng góp tích cực vào trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hóa, góp phần đưa văn hóa, di sản trở thành những sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đức Minh
Bình luận