Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ tư, 27/03/2024 14:03
TMO - Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số đã giúp tỉnh Ninh Bình nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.
Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong bảo tồn di sản, tỉnh Ninh Bình đã có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn. Qua đó, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, phát huy giá trị và quảng bá di sản tới du khách trong và ngoài nước.
Khu di tích Cố đô Hoa Lư đã tích cực ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hoá lịch sử. Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, thực hiện chương trình số hóa di sản, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo quản và giới thiệu di tích. Qua đó giúp công tác bảo quản hiện vật được khoa học, bài bản hơn, đồng thời giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận, hình dung và tìm hiểu các giá trị độc đáo của di sản.
Cụ thể hiện nay khi đến thăm Cố đô Hoa Lư, chỉ cần du khách sử dụng điện thoại di động được kết nối Internet, sau khi quét QR Code những thông tin bổ ích và quan trọng với các file âm thanh, hình ảnh về Khu di tích nhanh chóng được truyền tải đến du khách. Đây là một trong những ứng dụng hữu ích, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và cảm nhận các giá trị của điểm đến một cách trọn vẹn. Bên cạnh đó du khách vẫn được nghe hướng dẫn trực tiếp của hướng dẫn viên du lịch.
Cùng với đó để tăng sức hấp dẫn chân thực trong quá trình thuyết minh như phối cảnh 3D sử dụng thủ pháp ánh sáng, trình chiếu công nghệ Mapping trên sa bàn, trình chiếu media trên tường tại không gian nhà trưng bày hiện vật các công nghệ hiện đại cũng được Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư tích cực ứng dụng. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã từng bước thay đổi ngành du lịch Ninh Bình, hướng đến phát triển theo hướng hiện đại, qua đó thu hút đông đảo du khách đến tham quan tìm hiểu.
Địa phương này đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá hình ảnh của những di sản văn hóa, điểm đến hấp dẫn đến với du khách.
Ninh Bình được biết đến là mảnh đất có nhiều thắng cảnh hùng vĩ, nơi có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Để đưa hình ảnh đất và người Tràng An đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế, Ninh Bình là một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi số sớm và đi đầu trong cả nước với việc đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào phát triển du lịch thông minh.
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch, địa phương này triển khai thông qua việc xây dựng kho dữ liệu về du lịch, tiếp thị bằng tin nhắn SMS dựa trên vị trí địa lý của khách hàng, cung cấp Wifi công cộng miễn phí tại một số điểm du lịch. Thông qua đó, hình ảnh của các di sản với những vẻ đẹp hùng vĩ cùng các giá trị văn hóa, lịch sử ngày một đến gần hơn với du khách.
Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, sau khi ứng dụng "NinhBinhTourismInfo" được đưa vào sử dụng cho thấy những hiệu quả tích cực. Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, độ bảo mật và tính thực tế cao. Du khách dễ dàng tìm kiếm và cài đặt ứng dụng trên điện thoại để cập nhật thông tin đầy đủ về các điểm đến, lễ hội, nhà hàng…tại Ninh Bình.
Các đơn vị quản lý điểm tham quan, cung cấp dịch các dịch vụ, … sẽ được thẩm định thông tin và cấp tài khoản sử dụng. Từ đây, bằng việc cập nhật nhanh chóng, đầy đủ, chính xác sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần làm giàu dữ liệu, kết nối đồng bộ, liên thông, tạo nền tảng dữ liệu lớn, đáp ứng nhu cầu quản lý và tra cứu thông tin của người dùng, thuận tiện trong việc marketing, đưa hình ảnh của mình đến đông đảo du khách.
Cùng với đó tỉnh Ninh Bình còn sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá du lịch thu hút hàng nghìn người theo dõi. Nội dung các bài đăng tập trung giới thiệu tiềm năng, vẻ đẹp của đất và người Cố đô cùng những giá trị độc đáo của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Sản phẩm này đang phát triển như hệ sinh thái, diễn đàn chung để thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến và du khách thuận tiện tương tác với nhau. Từ đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn khi đến Ninh Bình, đồng thời lan tỏa rộng rãi giá trị Di sản Tràng An đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch Ninh Bình đang hướng đến mục tiêu năm 2025, phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp nhằm tối ưu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản hiện nay, hướng tới phát triển du lịch thông minh, đưa di sản đến gần hơn với du khách và người dân. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của du lịch văn hóa di sản là hết sức cần thiết.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian.
Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Thu Trang
Bình luận