Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ tư, 03/07/2024 08:07
TMO - Thời gian qua, TP. Hà Nội xác định chuyển đổi số là hướng đi tất yếu, góp phần đưa ngành du lịch Thủ đô phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng bứt phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 14 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Khách du lịch nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt khách, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Để có được kết quả như trên là sự tổng hoà của nhiều yếu tố, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số ngành du lịch đã góp phần không nhỏ trong sự tăng trưởng của ngành du lịch Thủ đô. Nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã được số hóa, từ cơ sở dữ liệu toàn ngành, thủ tục hành chính cho tới bán vé, tăng cường trải nghiệm số...
Nếu trước đây khi du khách đến thăm quan các điểm du lịch trên địa bàn TP.Hà Nội cần phải xếp hàng, tốn nhiều thời gian để mua vé, thì hiện nay quy trình mua vé tự động đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân trong và ngoài nước.
Tiêu biểu như khi đến khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hiện nay khách du lịch được trải nghiệm cả một quy trình tự động hóa, gồm mua vé, soát vé điện tử, thuyết minh tự động, hoặc quét mã QR... để tìm hiểu thêm thông tin về di tích. Không chỉ có Văn Miếu – Quốc Tử Giám ưu tiên chuyển đổi số mà nhiều địa chỉ du lịch khác trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đã ứng dụng công nghệ trong quá trình hoạt động, điển hình, như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng nghề gốm sứ Bát Tràng...Bên cạnh đó các địa chỉ đỏ, khu di tích lịch sử, văn hoá cũng được Ban quản lý sử dụng mã quét QR-code để cung cấp, hướng dẫn thông tin chi tiết đến người dân.
Hệ thống soát vé điện tử tại Khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: GN.
Ngoài ra ngành du lịch Thủ đô còn triển khai bản đồ số du lịch bằng nhiều thứ tiếng. Những bản đồ số này thể hiện các thông tin thu hút du khách, phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội. Hiện nay, bản đồ số đã thí điểm tại các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm; huyện Đông Anh, Thạch Thất. Từ nền tảng này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương triển khai nhân rộng trên toàn thành phố.
Ngoài những hoạt động chuyển đổi số mà khách hàng có thể trực tiếp được trải nghiệm, chuyển đổi số còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác. Từ đầu năm 2023, Sở Du lịch đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch và đưa vào khai thác gồm, cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn; cơ sở dữ liệu số về tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn; doanh nghiệp lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; dịch vụ chăm sóc sức khỏe-y tế; hướng dẫn viên, thuyết minh viên; văn phòng đại diện nước ngoài; phương tiện vận chuyển khách du lịch: hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy... Từ nền tảng này, các địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho phù hợp. Chuyển đổi số còn được triển khai rộng rãi trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở đã thực hiện khai báo toàn bộ 26 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công của thành phố và đang thực hiện khai báo trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sở cũng trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt việc tái cấu trúc 26 thủ tục hành chính; thực hiện số hóa 100% các thủ tục hành chính của sở; đồng thời, thực hiện đơn giản hóa, phân cấp ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính...
Du khách được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR 360 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: CG.
Dự kiến trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố sẽ triển khai có trọng điểm các hoạt động, như số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội; đẩy mạnh số hóa bằng giao diện ảnh 360 độ và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn...
Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội. Phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chuyển đổi số ngành du lịch không chỉ là giải pháp để du lịch Thủ đô phát triển đột phá mà còn là hoạt động thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành uỷ Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó công tác chuyển đổi số du lịch được xác định rõ nhiệm vụ đó là cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách theo thời gian thực, trên cơ sở xây dựng và khai thác các nguồn tài nguyên dữ liệu về văn hóa, lịch sử của Thủ đô để phát triển du lịch.
Năm 2023 vừa qua và nửa đầu năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, vị thế, vai trò của du lịch Hà Nội tiếp tục được nâng cao trên thị trường quốc tế. Trong quá trình thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đóng một vai trò rất quan trọng.
Thu Hương
Bình luận