Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ hai, 03/04/2023 05:04
TMO - Để phục hồi và phát triển sau tác động mạnh mẽ của đại dịch, đòi hỏi du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng cần có sự thay đổi căn bản, toàn diện để thực sự phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của ngành Du lịch.
Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu về khai thác cơ hội số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các lĩnh vực, với hàng loạt các nghị quyết, kế hoạch. Do đó, ngành Du lịch cần đi trước đón đầu, tận dụng hạ tầng công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin, phần mềm để quản lý, khai thác các giải pháp bán hàng trực tuyến, đặt vé, khách sạn, nhà hàng, giới thiệu các điểm đến, số hóa du lịch…
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.
Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua mã QR code, app du lịch… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu, qua đó giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp.
Du khách quét mã QR tra cứu thông tin du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Sở Du lịch Quảng Ninh đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, đẩy mạnh thương mại điện tử ngành Du lịch, đề nghị 100% doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu sử dụng website thực hiện các giao dịch thương mại điện tử trong quảng bá hình ảnh. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán các giao dịch bằng hình thức không dùng tiền mặt; cung cấp thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều sản phẩm du lịch thông minh hình thành, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cụ thể, Bảo tàng Quảng Ninh chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình tivi, màn hình led, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị. Đây cũng là bảo tàng tiên phong trong cả nước xây dựng bảo tàng ảo, sử dụng công nghệ 3D để khiến không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực.
Tại Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, thu phí vé tham quan Vịnh bằng internet banking và quét mã QR. Quảng Ninh cũng đã đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong tra cứu các điểm đến.
Theo Sở Du lịch, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số; đa dạng hình thức tuyên truyền, thông qua đào tạo du lịch, hệ thống các trang mạng điện tử. Cùng với đó, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực du lịch.
Ngành Du lịch Quảng Ninh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh, như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... phục vụ du khách; ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D...
Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Hoàng Quỳnh
Bình luận