Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 03/03/2024 03:03
TMO - Chính phủ xác định, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, ngành du lịch cần phát triển bền vững và có chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo, đặc biệt là chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sau giai đoạn bị đình trệ do chịu tác động bởi dịch COVID-19, đến nay, Du lịch Việt Nam đã từng bước khôi phục trở lại, đặc biệt là hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa năm 2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Du lịch Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục. Bên cạnh những những vướng mắc về chính sách và thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu Việt Nam, ngành du lịch đang có nhiều bất cập trong vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hơn nữa, tại nhiều điểm du lịch, nạn chèo kéo, ép giá, kinh doanh du lịch trái phép, quảng cáo sai sự thật... còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến hình ảnh của Du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối diện với không ít thách thức khi cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, nguyên vẹn), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Cùng với đó, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và triều cường tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch...; đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm.
Công tác thu gom rác thải từ hoạt động du lịch phải đặc biệt được chú trọng triển khai hiệu quả.
Định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/2023/NQ-CP 2023 của Chính phủ là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thực hiện định hướng này, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Cùng với đó là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vùng. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các địa phương sẽ ban hành theo thẩm quyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”…
Bảo vệ môi trường là cơ sở để thúc đẩy hoạt động du lịch tại các địa phương phát triển bền vững.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An (Quảng Nam) đang thực hành giảm rác thải trong vận hành vì chính lợi ích của đơn vị cũng như hưởng ứng xu hướng phát triển du lịch xanh Quảng Nam. Chuyển đổi vận hành xanh, bảo vệ môi trường không còn là thông điệp mà đã được cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương dần cụ thể hóa bằng hành động vì chính lợi ích của doanh nghiệp. Chương trình “Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An điểm đến xanh” đã trải qua 3 năm. hiện có khoảng 50 cơ sở kinh doanh cam kết tích cực giảm thiểu rác thải. Số còn lại hiện gặp nhiều khó khăn do đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa có nhiều động lực chuyển đổi nhưng hy vọng sẽ tiếp tục chuyển động trong thời gian tới.
Bà Rịa - Vũng Tàu có đường bờ biển dài hơn 300km. Trong đó hơn 100km bờ biển qua các địa bàn TP.Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo đang được khai thác với hàng trăm resort nghỉ dưỡng ven biển và đa dạng loại hình du lịch gắn với lợi thế môi trường biển. Do đó, trong tất cả các chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra đều lồng ghép phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường.
Sở Du lịch tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong hoạt động du lịch thông qua quá trình thẩm định, xếp hạng sao cho các cơ sở lưu trú, dự án du lịch. Bà Rịa - Vũng Tàu thường gặp tình trạng quá tải vào cuối tuần, lễ, tết. Do vậy, để thu hút du khách, nhất là khách quốc tế, Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng các điểm đến vệ tinh để chia sẻ khách, tránh quá tải tại một điểm đến trong mùa cao điểm. Bên cạnh đó là chiến lược bảo tồn văn hóa bản địa, kết hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.
Địa phương này còn có đa dạng tài nguyên từ lịch sử vùng đất và các vùng nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, sinh thái nông nghiệp nông thôn, khám phá - trải nghiệm các giá trị tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe theo hướng chất lượng gắn với trách nhiệm xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn cũng là cách khai thác du lịch bền vững.
Hải Minh
Bình luận