Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ năm, 06/10/2022 20:10
TMO - Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí môi trường.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm và dần có chuyển biến tích cực. Công tác thu gom chất thải được đẩy mạnh, hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt (tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn đạt khoảng 66%); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng đáng kể qua các năm; nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế; đã có hàng vạn km đường hoa, hàng rào xanh đã được hình thành.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới diện mạo nông thôn, chất lượng môi trường tại nhiều địa phương được cải thiện. Ảnh: QH
Tại Hội nghị triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã tạo ra những mặt trái, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường có tính chất nghiêm trọng ở khu vực nông thôn. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe nhân dân. Do nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước…
Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp cũng chưa đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nước sạch; sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khiến an toàn thực phẩm vẫn còn là nỗi lo lớn. Môi trường làng nghề, vệ sinh nông thôn vẫn là bài toán nan giải với nhiều địa phương. Biến đổi khí hậu tác động ngày một lớn đến cấp nước, môi trường…
Trước những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022. Mục tiêu chung của Chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật tuy nhiên công tác thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế
Quyết định đề ra 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể để các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai. Cụ thể là các nội dung về: Cấp nước sạch nông thôn; Chất thải rắn sinh hoạt; Nước thải sinh hoạt; Chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; Bao gói thuốc bảo vệ thực vật; Bảo vệ môi trường làng nghề; Cảnh quan môi trường nông thôn; An toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản và công tác vệ sinh.
Trong đó, Quyết định nhấn mạnh đến mục tiêu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý.
Mỗi tỉnh, thành phố triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp; ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ; có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn. Các địa phương cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu, thí điểm xây dựng và đánh giá, nhân rộng mô hình "Chợ an toàn thực phẩm'' ở nông thôn.
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là xây dựng các mô hình tích trữ được nước ngọt để ứng phó biến đổi khí hậu, như ở Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương ven biển.
Nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Về xử lý chất thải rắn, nước thải, phụ phẩm nông nghiệp, xây dựng và có chính sách hỗ trợ các mô hình thu gom, xử lý rác thải, chất thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt nông thôn tại nguồn và trung chuyển đến các nơi thu gom tập trung; Xây dựng các mô hình liên kết để thu hồi, tái chế và tiêu thụ các sản phẩm tái sử dụng từ chất thải, phụ phẩm nông nghiệp.
Trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nông thôn để nâng cao chất lượng môi trường sống người dân, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp.
Đồng thời, chú trọng triển khai hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm về các vấn đề: xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư để xử lý nước thải ở các làng nghề, chăn nuôi, nước thải sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực miền núi; xử lý dứt điểm các bãi rác gây ô nhiễm môi trường; đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu tại Chương trình; chủ động xây dựng các phương án, đề án về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp nước sạch...
Thu Hương
Bình luận