Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ ba, 07/05/2024 07:05
TMO - Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, thời gian từ nửa đầu tháng 5-2024, trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào thời kỳ chuyển mùa, kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết bất thường như: mưa giông kèm gió giật mạnh, lốc xoáy, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá, sóng to, gió mạnh trên biển...
Nhằm chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước các hiện tượng bất thường của thời tiết, nhất là trong thời điểm giao mùa thường xảy ra mưa giông, lốc, sét, mưa đá bất thường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Đài Khí tưởng Thủy văn Long An, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông qua các trang website (http://pctt.longan.gov.vn;https://www.facebook.com/ThongtinPCTTLongAn) để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân nắm, biết hiện tượng mưa giông, kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra.
Tập trung chỉ đạo kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn trước mùa mưa, bão; đối với các công trình sử dụng mái tole, mái tole xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao,… cần phải kiểm tra, rà soát và có các biện pháp sửa chữa, gia cường chống lật đổ, nghiêng.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đô thị trên địa bàn quản lý thực hiện kiểm tra, rà soát, có các biện pháp cắt tỉa cành, nhánh, (không được đốn hạ); có biện pháp gia cường, chống đỡ cây, nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm bảo đảm an toàn; không để cây xanh ngã đổ do mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại về người, đặc biệt là tính mạng của người dân khi tham gia giao thông,…
Các địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong giai đoạn chuyển mùa. Ảnh: LĐ.
Tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các bảng pa nô, áp phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh khi có mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh xảy ra; xử lý đối với các công trình panô, áp phích, biển quảng cáo xây dựng không phép trên địa bàn quản lý; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình cao tầng.
Đối với các địa phương có người dân làm nghề đánh bắt cá ở vùng cửa sông, ven biển; phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện để nắm số lượng tàu, thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển (nếu có) kịp thời thông báo đến các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động biết được thông tin, diễn biến thời tiết, gió mạnh trên biển, mưa giông, lốc xoáy (tọa độ, vị trí hướng di chuyển) và thường xuyên giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện nhanh chóng đi vào nơi trú đậu an toàn; đồng thời, thông báo cho các cấp chính quyền, nhân dân ở các tỉnh lân cận hỗ trợ cho tàu, thuyền tránh trú an toàn khi xảy ra mưa giông, lốc sét và gió giật mạnh; sẵn sàng huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Bên cạnh đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An theo dõi sát diễn biến tình hình khí tượng, thời tiết tăng cường cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình thời tiết, mưa giông, lốc sét, mưa đá và các loại hình thời tiết thường xảy ra trên địa bàn tỉnh,… Từ đó, cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy, liên tục cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có liên quan và các địa phương để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngoài ra, các cơ quan thông tấn, báo chí trong tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền, phổ biến tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn người dân cách nhận biết và nắm rõ các biện pháp phòng tránh, ứng phó mưa giông, kèm theo dông, lốc sét, mưa đá để có biện pháp chủ động phòng tránh hiệu quả.
Trước đó, từ đầu tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa cục bộ tại một số địa phương như huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Thủ Thừa,… có nơi mưa giông kèm theo sét đánh và lốc xoáy. Cụ thể, ngày 03/5/2024, tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, mưa giông kèm theo sét đánh làm 1 người chết. Ngày 05/5/2024, tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, mưa giông kèm lốc xoáy làm tốc mái 17 phòng trọ của người dân. Trong đó, có một mảng tole tiền chế bị gió cuốn bay rơi ra chắn ngang giữa tuyến đường Quốc lộ 1.
Ngành chức năng tỉnh tiếp tục thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối để kịp thời thông tin đến người dân (Ảnh minh họa).
Cùng với việc chủ đông ứng phó với thiên tai trong giai đoạn chuyển mùa, thời gian này tỉnh Long An tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước. Tại Long An, ranh giới mặn 4%o trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 90 - 110 km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 4. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, xâm nhập mặn như Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân An. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của Long An.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 36.000ha lúa; 4.600ha cây chanh và cây ăn quả (huyện Bến Lức gần 1.500ha cây chanh; huyện Thủ Thừa gần 1.500ha chanh, mít và cây trồng khác; huyện Thạnh Hóa 1.000ha cây ăn quả; huyện Tân Trụ trên 600ha cây ăn quả; huyện Đức Hòa 30ha cây chanh; TP.Tân An khoảng 50ha cây ăn quả) có khả năng bị giảm năng suất do ảnh hưởng hạn mặn, thiếu hụt nguồn nước ngọt cho tưới tiêu.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt trong vùng bị ảnh hưởng. Theo thống kê của ngành chức năng và các địa phương, tại huyện Cần Đước (xã Long Cang, Long Định) có khoảng 2.000 hộ thiếu nước. Huyện Cần Giuộc (xã Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Lại,...) có trên 6.000 hộ thiếu nước. Huyện Tân Trụ (xã Đức Tân, Nhựt Ninh) còn một số hộ cuối nguồn còn thiếu nước cục bộ.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn, tỉnh Long An tổ chức thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình với mục đích tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh. Về giải pháp công trình, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Cho các trạm bơm dã chiến hoạt động tại các cống đầu mối (cống Rạch Đào, Cây Gáo - kênh Thủ Thừa; cống Rạch Chanh - huyện Bến Lức,...) để bơm nước vào đồng ruộng khi đã kiểm tra độ mặn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách để triển khai thi công ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh hoặc huy động trong Nhân dân nhằm kịp thời ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích trong sinh hoạt hàng ngày; tham gia hưởng ứng việc lấy nước sinh hoạt từ các điểm tập kết nước do chính quyền địa phương tổ chức cấp nước...
Vũ Huyền
Bình luận