Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 09/02/2022 13:02
TMO- Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đầu tư khoa học kỹ thuật, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thời tiết trong nuôi trồng.
Thời gian gần đây, những mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn... được triển khai rộng rãi tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái... cho năng suất trung bình 8-10 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình đạt từ 20-25 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm trong nhà kính, hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại TX. Quảng Yên
Tại TP. Móng Cái, mô hình thâm canh thẻ tôm chân trắng được người dân mạnh dạn thử nghiệm. Theo các hộ nuôi trồng, mô hình này có nhiều ưu điểm vượt trội so với nuôi quảng canh. Người dân có thể chủ động từ thức ăn, nguồn nước, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian thả nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, chỉ hơn 3 tháng nên các hộ có thể tăng từ 1 vụ/năm nuôi quảng canh lên 2 vụ/năm nuôi thâm canh.
Trong mô hình nuôi công nghệ tôm thẻ chân trắng, việc kiểm soát được môi trường nước đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng bể ương di động. Ưu điểm của bể ương di động là dễ quản lý, không bị phụ thuộc vào nguồn nước, vụ nuôi, có thể tháo lắp, di chuyển, thay đổi được kích thước và hạn chế rủi ro thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, với hệ thống này, có thể chủ động kiểm soát được môi trường nước, giảm thiểu được hội chứng tôm chết sớm EMS do hoại tử gan tụy cấp tính. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập cao gấp 2-3 lần so với những vụ nuôi trước, tỷ lệ tôm sống cao và phát triển khỏe mạnh.
Chất lượng tôm giống trong bể ương di động được kiểm soát chặt chẽ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều đơn vị đang áp dụng hệ thống nuôi tôm nhiều giai đoạn bao gồm ao, bể ương tôm giống và các ao nuôi thương phẩm cấp 1 và cấp 2. Qua đó, giúp tôm tăng trưởng nhanh trong điều kiện ương có tính an toàn sinh học cao, gia tăng hiệu quả sản xuất do tôm giống có kích thước lớn khi đưa ra nuôi ngoài ao, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm; tiết kiệm được thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm nuôi.
Tại huyện Đầm Hà đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại. Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn huyện cũng đang tích cực triển khai xây dựng khu nuôi thử nghiệm con giống chịu nhiệt độ thấp, phù hợp với khí hậu mùa Đông của khu vực miền Bắc để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Khu nuôi trồng thủy sản tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà
Lĩnh vực thủy sản tại tỉnh Quảng Ninh đang ghi nhận sự chuyển đổi cách làm của người dân khi phá vỡ tính mùa vụ bằng cách áp dụng kỹ thuật thả giống nhiều giai đoạn, từ đó giảm áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm, tránh được "kịch bản" ứ ế, tồn đọng, dẫn đến phải giải cứu như đã từng diễn ra. Nhờ vậy, kết thúc năm 2021, lĩnh vực thủy sản Quảng Ninh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, bước vào năm 2022, lĩnh vực thủy sản đặt ra chỉ tiêu sản lượng thủy sản khoảng 152.700 tấn, trong đó, khai thác đạt 68.700 tấn, giảm 8,72%, nuôi trồng đạt 84.000 tấn, tăng 12,58%. Để đạt được mục tiêu trên , ngành nông nghiệp cần tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực về tài chính, có công nghệ để làm hạt nhân ươm tạo các công nghệ mới để các khu nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả; xây dựng chính sách hỗ trợ vốn, kết nối đầu ra cho chế biến và tiêu thụ thủy sản...
Ngọc Linh
Bình luận