Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ sáu, 28/06/2024 06:06
TMO - Xoài Cao Lãnh là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Nhằm nâng cao giá trị của mặt hàng này, ngay từ năm 2019 tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho các vùng xoài của khu vực TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 14.500ha trồng xoài; trong đó, huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh có tổng diện tích trồng xoài chiếm 60% diện tích trồng xoài toàn tỉnh và sản lượng hằng năm đạt trên 80.000 tấn. Xoài Đồng Tháp xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng với các giống xoài chủ lực như xoài cát Chu, cát Hòa Lộc, xoài tượng da xanh...
Với sản lượng và chất lượng đảm bảo, ngay từ năm 2019 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài cát chu và xoài cát, đối với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Đồng thời Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” bắt đầu thực hiện từ năm 2022, trong đó có nhiệm vụ “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu”. Việc tạo lập, bảo hộ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý sản phẩm xoài chủ lực của tỉnh Đồng Tháp không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản mà còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước.
Thông tin từ đại diện Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp, xoài là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Xoài Cao Lãnh từ lâu đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước,. Xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và những điểm du lịch nổi tiếng, đồng thời được tiêu thụ ở nhiều kênh từ chợ truyền thống đến các hệ thống siêu thị, cùng với đó là xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ trái xoài, người dân Đồng Tháp còn khai thác thế mạnh từ trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống như xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, kem xoài... tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, có nhiều sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao.
Xoài Cao Lãnh được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng bởi sự thơm ngon, chất lượng. (Ảnh: TN).
Để hỗ trợ người nông dân, năm 2023, Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp đã được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các hội viên trong hội hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao, phát triển kinh tế. Đặc biệt, mới đây Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp đã phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm xoài mang Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” và Hội thi trái xoài ngon năm 2024 nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh và sản phẩm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm xoài Cao Lãnh vươn lên tầm cao mới.
Lãnh đạo Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp thông tin thêm, thông qua Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm xoài mang Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” các cá nhân trong và ngoài tỉnh có thể thực hiện các hoạt động hỗ trợ quy trình trồng trọt, sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại; xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết “Nông dân - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nước” để tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững.
Đây là cầu nối, kết nối nguồn lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, canh tác giữa các hộ nông dân trồng xoài, cơ sở sản xuất chế biến xoài, các nhà kinh doanh xoài (nhà vựa, thương lái) và các cá nhân, tổ chức khai thác giá trị từ xoài theo phương châm “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến”, tham gia quản lý, khai thác Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp được hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhờ phát hiện và phát triển giống xoài bản địa, tạo nên sản phẩm đặc trưng của vùng đất, kết hợp kỹ năng truyền thống, biện pháp khoa học kỹ thuật để canh tác và chăm sóc xoài hiệu quả… Người nông dân Cao Lãnh đã góp phần quan trọng vào chất lượng và danh tiếng của xoài Cao Lãnh.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng xoài Cao Lãnh phát triển nhanh mạnh, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp tối ưu. Theo đó tại Kế hoạch số 308 ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh về phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Đồng thời tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng xoài đạt 36% trong tổng số diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh. Tăng cường dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, lợi nhuận tăng ít nhất 15%/năm. Cấp mã số vùng đạt 11.000ha xoài phục vụ xuất khẩu, 20% sản phẩm xoài tươi đạt chuẩn VietGAP, 2% diện tích xoài hữu cơ (293ha); đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phế phụ phẩm xoài công suất 30.000 tấn xoài/năm…/.
Minh Tuyết
Bình luận