Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Chủ nhật, 04/08/2024 16:08
TMO - Nằm sát bên Quốc lộ 1A thuộc tổ dân phố Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cây đa tía hay còn được gọi cây đa Đá Bạc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, đời sống văn hoá của người dân Đá Bạc.
Cây đa Đá Bạc có chiều cao khoảng 25m, tán lá rộng khoảng 40m, rễ chính và rễ phụ ôm gọn vào sáu hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m.
Vào năm 2016, cây đa Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc) với hơn 300 năm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Theo người dân địa phương, cây đa được trồng nhằm mục đích để đánh dấu, cắm mốc biên giới điểm đầu và điểm cuối làng Đá Bạc sau khi dân làng đã định canh, định cư vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Trong thời kỳ chiến tranh, cây đa Đá Bạc nằm trong khu vực ngã ba Ràng Bò, địa điểm bến cây đa Đá Bạc là điểm trọng yếu của tuyến đường Bắc-Nam, nơi có nhiều cây cối, lau sậy dễ ẩn nấp, là địa điểm lý tưởng để cách mạng hoạt động nên thực dân Pháp cho xây dựng một đồn bốt canh gác nhằm theo dõi, đàn áp nhân dân địa phương và các chiến sĩ cách mạng.
Vào khoảng những năm 1946-1970, bến cây đa Đá Bạc là nơi đưa đón hằng trăm cán bộ cách mạng hoạt động giữa khu 1, khu 3 (Phú Lộc) và nhiều vùng lân cận như Con Quan, Phú Thứ (Phú Đa, Phú Vang). Đến năm 1975, do nắm được địa thế và vị trí quan trọng về quân sự của bến cây đa Đá Bạc nên quân Ngụy chọn bến cây đa Đá Bạc là nơi lập chốt nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân ta nhưng đã bị Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) của ta tiêu diệt, cắt đứt cánh quân của địch trên đoạn đường Quốc lộ 1A từ Ngã ba Ràng Bò đến bến cây đa Đá Bạc.
Dưới gốc cây đa hiện có ngôi miếu thờ Bà Thủy được xây dựng hơn 120 năm trước do dân làng Đá Bạc góp công, góp của xây dựng để cầu cho mưa thuận gió hòa, ra khơi bình an. Năm 2013, ngôi miếu được tu sửa mới, là nơi hương khói tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách khi viếng thăm cây đa Đá Bạc. Cây đa cùng với ngôi miếu linh thiêng này dừng như đã làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính tạo nên một bức tranh làng quê mộc mạc, thanh bình.
Ngày nay, cây đa Di sản có vị trí đặc biệt quan trọng đối với người dân Đá Bạc. Với họ cây đa là chứng tích lịch sử, là một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hoá tâm linh cùng với bến nước, sân đình tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan thiên nhiên của tổ dân phố Đá Bạc nói riêng và thị trấn Phú Lộc nói chung.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế ngoài cây đa Đá Bạc được công nhận Cây Di sản Việt Nam còn có cây thị trên 300 năm tuổi ở Thủy Xuân (TP.Huế) và cây thị hơn 500 năm tuổi ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền). Ngoài ra, còn có 2 cây Bộp trước sân đình làng thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú huyện Quảng Điền và cây Bàng trên 100 năm tuổi nằm trong khuôn viên trường THCS thị trấn Phú Lộc.
Trong đợt xét duyệt công nhận Cây Di sản tháng 7 vừa qua, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có thêm 2 cây ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang được công nhận. Cụ thể là cây mù u gần 400 năm chu vi thân gần 7 mét trước Đình làng Kế Võ và cây thị hơn 300 năm, chu vi thân hơn 5,4 mét trước miếu cây Thị, làng Tân Sa.
Hoạt động công nhận, bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) triển khai từ năm 2010, ngoài bảo tồn đa dạng sinh học, hoạt động này nhằm tuyên truyền giáo dục nhận thức cộng đồng bảo vệ cây xanh, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Đồng thời, thông qua hoạt động này nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, trân trọng quá khứ hướng đến phát huy giá trị cây cổ thụ qua đó cũng sẽ góp phần giúp cho địa phương có Cây Di sản quảng bá cây quý những địa danh đặc biệt đến du khách trong và ngoài nước từ đó thúc đẩy du lịch phát triển.
Nguyễn Hoàng
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận