Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 06:01
Thứ tư, 01/06/2022 15:06
TMO – Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, nơi đang có khoảng trên 2.000 loài động, thực vật, trong đó có các loài quý hiếm như Voọc Chà vá chân xám, đây là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) trải rộng trên diện tích 413.511,67 ha. Toàn khu được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm: Vùng lõi có diện tích 57.439,83 ha bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu BTTN Kon Chư Răng; Vùng đệm có diện tích 152.693,98 ha và Vùng chuyển tiếp có diện tích 203.377,86 ha bao gồm một phần diện tích của 06 huyện, thị xã: Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, An Khê.
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng.
Khu DTSQ Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, đặc biệt là nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống. Khu DTSQ Kon Hà Nừng là nơi cư trú của các loài quý hiếm như Voọc Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), đây là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên.
Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng có nhiều điểm độc đáo, có những đặc điểm nổi bật và độc nhất, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí để UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Hệ thực vật ở đây có tính đa dạng sinh học cao.
Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng có 2 vùng lõi. Vùng lõi 1 là Vườn quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh. Nơi đây có diện tích tự nhiên khoảng 41.913,78 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên tương đương với 93% tổng diện tích. VQG có các kiểu sinh cảnh rừng trên núi, trong đó đặc biệt quan trọng là 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim trong đó có Pơ mu. VQG Kon Ka Kinh còn lưu giữ phần lớn các sinh cảnh và cảnh quan tự nhiên ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai. Khu vực này có khả năng tồn tại các quần xã động thực vật nguyên sơ nhất tại vùng núi Trung Trường Sơn. VQG Kon Ka Kinh cũng là nơi có tầm quan trọng Quốc tế cho công tác bảo tồn các loài bò sát và ếch nhái.
Vùng lõi 2 là Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, nơi này có diện tích tự nhiên khoảng 15.526,05 ha, trong đó có diện tích rừng tự nhiên chiếm 98% tổng diện tích khu bảo tồn. Kiểu rừng chính ở đây là rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao từ 900- 1.000 m ở phía Tây Bắc khu bảo tồn. Kiểu rừng này chiếm 70-80% diện tích rừng trong khu vực, với thành phần thực vật ưu thế bởi các loài cây thuộc họ dẻ, re, mộc lan, mọc hỗn giao với các loài cây lá kim như thông nàng, hoàng đàn giả. Khu hệ thực vật đã thống kê được 546 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 376 chi, 122 họ. Trong số đó có 201 loài cây gỗ, 121 loài cây dược liệu và 48 loài cây có khả năng làm cảnh. Một số loài thực vật được ghi nhận trong khu vực hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt có tới 9 loài đặc hữu cho Việt Nam. Khu hệ động vật cũng đã ghi nhận cho Kon Chư Răng 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm. Trong số các loài thú, có 8 loài bị đe doạ ở mức toàn cầu và 17 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt, có 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương là vượn má hung, voọc chà vá chân xám và mang lớn.
Nhiều loài nằm trong nhóm cần được bảo tồn trong Sách Đỏ của thế giới như voọc chà vá chân xám, vượn đen trung bộ, chim hồng hoàng, chim chân bơi…
Bên cạnh những giá trị nổi bật, độc đáo về đa dạng sinh học, Khu DTSQ sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của quốc gia nói chung. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng và Khu DTSQ Núi Chúa (Ninh Thuận) được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới hồi giữa tháng 9/2021. Đây là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động-thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Đó là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Theo quy định khu dự trữ sinh quyển cần phải đạt được 7 tiêu chí: có các hệ sinh thái đại diện vùng địa lý sinh học; có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội cho phát triển bền vững vùng; có diện tích đủ lớn; thực hiện đầy đủ 3 chức năng: bảo tồn, phát triển và trợ giúp; có sự tham gia của cộng đồng; có cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng.
Phạm Yến
Bình luận