Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/07/2025 20:07
Thứ tư, 16/07/2025 11:07
TMO - Dù đã có khuôn khổ pháp lý và sự quan tâm từ cơ quan quản lý, thực tế triển khai vẫn còn nhiều thách thức bởi hiện chưa có đủ dữ liệu định lượng về hàm lượng POP trong nhiều vật liệu nhập khẩu như PVC, EVA, hay các chất kết dính.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa và gia tăng tiêu dùng, nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn sử dụng các hóa chất nguy hại như chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân. Những hóa chất này thường được tìm thấy trong các sản phẩm như nhựa, keo dán, sơn, chất chống cháy, phụ gia cao su hoặc thiết bị điện tử. Dù Việt Nam không trực tiếp sản xuất các chất POP như PBDE, PFOS, HBCDD, SCCP, MCCP hay PFOA, nhưng một lượng đáng kể vẫn được nhập khẩu và sử dụng trong quá trình sản xuất.
Theo thống kê từ Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2022, tổng lượng nhựa PVC nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 737.000 tấn, riêng từ Trung Quốc là 220.000 tấn. Các chất POP như SCCP và MCCP có thể tồn tại trong các sản phẩm này dưới dạng phụ gia và chưa được kiểm soát triệt để.
(Ảnh minh họa)
Vì vậy, Dự án “Giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” đặt mục tiêu giảm thiểu 35 tấn POP và 648 kg thủy ngân thông qua kiểm soát vòng đời sản phẩm, phát triển nhãn sinh thái và cơ chế tài chính xanh. Đây là một trong những nỗ lực mới nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy, cũng như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy.
Tuy nhiên, dù đã có khuôn khổ pháp lý và sự quan tâm từ cơ quan quản lý, thực tế triển khai vẫn còn nhiều thách thức. Theo Cục Môi trường, hiện Việt Nam chưa có đủ dữ liệu định lượng về hàm lượng POP trong nhiều vật liệu nhập khẩu như PVC, EVA, hay các chất kết dính. Nhiều sản phẩm tồn lưu từ trước năm 2016 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát thải POP và cần đánh giá, xử lý trong giai đoạn cuối vòng đời.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động kiểm soát chất POP theo yêu cầu của Công ước Stockholm, tiến tới không dùng, không sản xuất các chất POP. Cơ quan này đã phối hợp với nhiều địa phương, các Bộ ngành khác để triển khai các quy định về quản lý chất POP. Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về POP và thủy ngân còn thấp. Các khái niệm như "quản lý vòng đời sản phẩm" hay "nhãn sinh thái" mới chủ yếu được tiếp cận bởi các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật, chưa trở thành hành vi phổ biến trong tiêu dùng và sản xuất. Do đó, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, cần làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tác hại, sự nguy hiểm của các hóa chất độc hại…/.
PHẠM DUNG
Bình luận