Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ hai, 20/05/2024 15:05
TMO - Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch góp phần nâng cao trải nghiệm du khách trong hành trình khám phá Thác Bản Giốc tại tỉnh Cao Bằng. Hiện tại địa phương này đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu đưa ngành du lịch phát triển bền vững.
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, năm 2024, ngành du lịch tỉnh đã chủ động phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch, bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của du khách. Do vậy lượng khách đến Cao Bằng đã ngày càng tăng lên. Trong quý I/2024, tổng lượt khách đến Cao Bằng là 350.000 lượt, mang lại tổng doanh thu ước đạt 252,5 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để quảng bá du lịch Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong du lịch, tập trung phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng số; tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Cụ thể, tại điểm du lịch Thác Bản Giốc, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, giờ đây du khách sẽ có thêm rất nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị.
Nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Thác Bản Giốc được xếp hạng danh thắng quốc gia trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, và là một trong những điểm tham quan du lịch chính của tỉnh Cao Bằng. Thác Bản Giốc rộng khoảng 300m, gồm thác chính và thác phụ, nơi đây được đánh giá là thác nước đẹp nhất Việt Nam, thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; có tên trong Top 10 thác đẹp nhất thế giới; và là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong số các thác lớn nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia.
Mặc dù có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tuy nhiên, với không gian rộng lớn, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, du khách rất khó hình dung và tiếp cận đầy đủ những điểm đến của danh thắng Thác Bản Giốc. Do đó, để hỗ trợ du khách có trải nghiệm tốt hơn, một số ứng dụng công nghệ số đã được triển khai tại Thác Bản Giốc, như công nghệ thực tế ảo VR360 giúp du khách có thể khám phá danh thắng một cách tổng thể từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả những điểm bên trên thác.
Bên cạnh đó, việc tỉnh Cao Bằng đưa vào sử dụng ứng dụng CaoBang Tourism với nhiều thông tin và hình ảnh hấp dẫn về Thác Bản Giốc, cùng với phần thuyết minh chi tiết đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong hành trình tham quan Thác Bản Giốc cho du khách.
Thác Bản Giốc đang là mô hình điểm về du lịch thông minh, góp phần đưa ngành du lịch giữ vị trí hàng đầu về chuyển đổi số tại tỉnh Cao Bằng. Du khách tới đây chỉ cần quét mã QR truy cập Cổng du lịch thông minh tỉnh Cao Bằng hoặc app CaoBang Tourism, chọn địa điểm Thác Bản Giốc, với những hình ảnh, thông tin giới thiệu đầy đủ, trực quan sẽ giúp du khách nhanh chóng có hình dung toàn cảnh về danh thắng này và lựa chọn thứ tự điểm đến theo sở thích cá nhân.
Khách du lịch quét mã QR để truy cập cổng du lịch thông minh (caobangtourism.vn) tại khu du lịch Thác Bản Giốc. Ảnh: BVNN.
Tại Thác Bản Giốc còn được tích hợp thêm hệ thống cửa kiểm soát tích hợp mã QR để tăng cường hiệu quả quản lý du lịch thông minh. Mỗi vé vào cửa được gán một mã QR. Qua đó giúp đơn vị quản lý có thể thống kê chính xác lượt khách tới thăm quan.
Bên cạnh đó, từ tháng 10/2023 hệ thống camera giám sát với 36 camera và 5 điểm phát wifi miễn phí cũng đã nhanh chóng được lắp đặt, ngay trong dịp công bố lễ vận hành qua lại cho du khách tại khu cảnh quan Thác Bản Giốc Việt Nam và Đức Thiên Trung Quốc. Tới nay, các thiết bị vẫn đang hoạt động tốt. Hệ thống camera giám sát giúp tăng hiệu quả giám sát tình hình an ninh trật tự, đối với hệ thống wifi đã giúp du khách cảm thấy thoái mái hơn khi trải nghiệm du lịch thông minh.
Không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi số tại khu du lịch Thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng còn thúc đẩy quảng bá các điểm du lịch trên các ấn phẩm truyền thông điện tử của tỉnh; khai thác hiệu quả tin, bài tuyên truyền về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng trên ấn phẩm báo điện tử giới thiệu về hình ảnh, du lịch Cao Bằng; mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường đăng tải những hình ảnh đẹp về con người, quê hương, non nước Cao Bằng; thử nghiệm hoạt động chiếu các phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Bên cạnh đó còn tạo mã QR cho các tài liệu quảng bá về du lịch Cao Bằng; tổ chức không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR giới thiệu, quảng bá về một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tại các sự kiện hội nghị…. Ngoài ra các thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên của Tỉnh đoàn Cao Bằng cũng tích cực phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số bằng việc khánh thành công trình số hóa Di tích văn hóa lịch sử chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (huyện Hạ Lang); công trình số hóa Di tích lịch sử đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc).
Thành đoàn Cao Bằng, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, khách du lịch cài đặt ứng dụng Cao Bằng Smart, quảng bá, giới thiệu về các địa điểm du lịch tại Phố đi bộ Kim Đồng…
Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là hướng đi hoàn toàn phù hợp không chỉ ở Cao Bằng mà đối với ngành du lịch cả nước. Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc triển khai đồng bộ chuyển đổi số du lịch đã tạo động lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương.
Cẩm Nhung
Bình luận