Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Thứ ba, 29/10/2024 19:10
TMO – Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định, đối với thành phố trực thuộc trung ương, chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, sau đó sẽ lập ngay các quy hoạch phân khu để tránh lãng phí, sớm khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.
Đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.
Dự án Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn (do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo) đã phân định rõ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn; các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo Luật. Theo đó, nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi… theo quy hoạch của Luật chuyên ngành và Luật chuyên ngành.
(Ảnh minh họa)
Về vai trò, sự cần thiết lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch. Theo đó, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong thành phố trung ương và không có quy định việc đề xuất mô hình cấu trúc phát triển đô thị; định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; định hướng phát triển các khu chức năng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch.
Theo Bộ Xây dựng, giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương có một số điểm khác nhau về khái niệm, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng, nội dung quy hoạch, vai trò, yêu cầu đối với công tác quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng, mức độ nội dung thông qua tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo. Vì vậy, cần thiết có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. Việc lập quy hoạch chung này cũng đảm bảo tính kế thừa, không trùng lắp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật.
Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch của thành phố trực thuộc Trung ương... Theo đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian, đồng thời đóng cái vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc Trung ương.
Riêng đối với sự cần thiết lập quy hoạch chung huyện, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện là một trong nội dung của quy hoạch tỉnh. Trong đó, quy định phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện bao gồm việc xác định phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm của từng vùng liên huyện vùng huyện đối với quy hoạch chung huyện. Quy hoạch tỉnh chỉ có tính chất là xác định phạm vi, tính chất, định hướng phát triển trọng tâm về kinh tế xã hội của huyện, làm cơ sở để lập quy hoạch chung của huyện và phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.
Mới đây, góp ý về dự thảo luật tại phiên thảo luận Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở tổng kết, đánh giá, hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn thể chế hóa chủ trương của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, hài hòa giữa phát triển kinh tế giữa các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết giữa đô thị và nông thôn, khắc phục bất cập của Luật Xây dựng, đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Qua kinh nghiệm công tác, từ yêu cầu thực tiễn và lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tên gọi của Luật, khái niệm, giải thích từ ngữ, vị trí, vai trò, cấp độ, tiêu chí phân loại quy hoạch, mối quan hệ và tính thống nhất giữa hệ thống quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn với các quy hoạch khác trong hệ thống các quy hoạch; phân định phạm vi với Luật Quản lý, phát triển đô thị, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý quy hoạch…
Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần có quy hoạch chung, bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau; cần phân định rõ ràng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.
Một số đại biểu Quốc hội góp ý, tại điều 20 dự thảo Luật này quy định theo hướng: cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng. Thậm chí, ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới. Về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, dự thảo luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Song, theo Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, thì một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Để đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản tại Điều 65 quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 thì được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Theo các đại biểu Quốc hội, tất cả các loại quy hoạch đô thị và nông thôn đều phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan; trình tự, thủ tục lấy ý kiến theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Thực tiễn phản ánh tại địa phương và cơ sở cho thấy, việc tổ chức lấy ý kiến với số lượng lớn các loại quy hoạch với phạm vi, quy mô, tính chất khác nhau và cách thức thực hiện như quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả, dễ dẫn đến hình thức và lãng phí.
ĐOÀN VINH
Bình luận