Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ sáu, 08/07/2022 11:07
TMO - Việt Nam hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, mỗi ngày thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó 65% chất thải nhựa là chất thải lây nhiễm và khoảng 15% số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, ước tính 22 tấn/ngày. Nhựa được sử dụng với số lượng rất lớn, bị vứt bỏ sau 1 lần sử dụng do yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Kho lưu trữ chất thải tái chế - Bệnh viện E
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong cơ sở y tế. Trong đó, yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị.
Giảm thiểu chất thải nhựa y tế còn nhiều khó khăn
Do tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế rất đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.
Thực tế, theo bà Phạm Thị Thoa, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện E, khi thực hiện chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa, tại bệnh viện chủ yếu áp dụng trong hoạt động tiếp khách hàng ngày, quy định sẽ không dùng các chai nhựa dùng 1 lần.
Liên quan giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động chuyên môn, bà Thoa cho biết, hiện tại các chai dịch truyền bắt buộc mình phải dùng nhựa, không có cái thay thế, các loại chai lọ (chai albumin, chai kháng sinh) có thể dùng thủy tinh được. Tuy nhiên, việc thay thế này nó sẽ liên quan đến kinh phí xử lý, dễ vỡ khi vận chuyển, nên “một số sáng kiến muốn dùng chai thủy tinh để dịch truyền gluco, dùng hết thủy tinh nhưng không khả thi và khâu xử lý thủy tinh cũng khó, không dễ”.
Còn theo chia sẻ của bệnh viện Phổi Trung ương, một số hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở y tế cũng gặp khó khăn như: việc chuyển đổi sử dụng túi nilon thân thiện môi trường thay thế cho túi nilon khó phân huỷ. Tuy nhiên về mặt kinh tế cũng như ưu điểm sử dụng thì loại túi thân thiện môi trường cũng gây khó khăn cho các đơn vị vì giá trị kinh tế đắt hơn và khả năng lưu chứa giảm hơn do độ dai, bền bỉ không bằng túi ni lông khó phân huỷ. Hay viện việc thay thế dần các vật tư y tế nhựa trong chuyên môn như chai truyền, dây truyền… cần sự vào cuộc của cả hệ thống, không riêng một đơn vị, một công đoạn để vẫn đảm bảo tính kinh tế, tối ưu như vật liệu nhựa đang sử dụng nhưng đảm bảo tính bảo vệ môi trường.
Chủ yếu dựa vào người đứng đầu cơ sở
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại bệnh viện Phổi Trung ương, công tác quản lý chất thải rắn y tế cơ bản được quan tâm, Bệnh viện chú trọng đầu tư trang bị các dụng cụ, thiết bị để thu gom chất thải, quan triệt hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, tại nơi phát sinh chất thải, đầu tư xây dựng khu lưu giữ cho từng loại chất thải theo đúng quy định.
Khu lưu trữ chất thải y tế nguy hại bệnh viện Phổi TW
Theo ông Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc bệnh viện Phổi TW, “Việc thực hiện các hoạt động liên quan tới công tác quản lý chất thải y tế nói chung, hay giảm thiểu chất thải nhựa nói riêng đối với các đơn vị hiện nay phụ thuộc nhiều vào ý thức, quyết tâm của Ban lãnh đạo từng đơn vị cơ sở y tế”.
“Hiện nay, bệnh viện Phổi Trung ương đã tự chủ 100% chi phí hoạt động thường xuyên, song ban lãnh đạo vẫn luôn duy trì nguồn chi nhất định cho các hoạt động bảo vệ môi trường bệnh viện. Ngoài việc thực hiện theo quy định, bệnh viện cũng chủ động biện pháp giảm thiểu bằng cách lên kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị y tế, hóa chất đủ dùng và có hạn sử dụng dài, với một số thiết bị như nhiệt kế thủy ngân chuyển sang nhiệt kế điện tử chuyển dần sang thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử thay cho phim trước đây. Ngoài ra, bệnh viện cũng chủ động hưởng ứng chương trình “Mua sắm xanh”, do tổ chức UNDP triển khai ”, ông Phú chia sẻ.
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi với phóng viên
Giải pháp nào cho chất thải nhựa ngành y?
Đối với việc thay thế các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất sử dụng nguyên liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong các hoạt động chuyên môn y tế cần có lộ trình thực hiện và thay thế từng bước.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa trong y tế có hiệu quả, bên cạnh quyết tâm của ngành y tế, cần phải có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sản xuất bao bì, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan.
Hoàng Anh – Dương Hiền
Bình luận