Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 10/01/2025 18:01
Thứ bảy, 02/12/2023 15:12
TMO - Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong thúc đẩy hoạt động kinh tế-xã hội tại địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai – một trong 10 chỉ số thành phần PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đặc biệt quan trọng, tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, lâu dài.
Tiếp cận đất đai là một trong các chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm các điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp dễ dàng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư như: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, cải cách thủ tục hành chính, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giới thiệu địa điểm phù hợp và hỗ trợ thủ tục hành chính thông qua các đơn vị xúc tiến đầu tư của tỉnh...
Năm 2021, Tiếp cận đất đai là một trong những chỉ số được cải thiện tốt nhất của tỉnh khi tăng đến 54 bậc và xếp ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2022 chỉ số "Tiếp cận đất đai" của tỉnh có mức giảm sâu khi xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố với 6,99 điểm, giảm 0,57 điểm và giảm 24 bậc so với năm 2021, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố). Đáng nói, trong năm 2021, đây là một trong những chỉ số được cải thiện tốt nhất của tỉnh khi tăng đến 54 bậc và xếp ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, tăng thu hút đầu tư.
Theo nhận định của các ngành chức năng, nguyên nhân sụt giảm chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh có phần do yếu tố khách quan. Hiện, đơn giá bồi thường của tỉnh còn thấp hơn rất nhiều so với Hà Nội, cơ chế, chính sách và đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ, nguồn gốc đất do lịch sử để lại rất phức tạp.
Công tác xác định giá đất, giá tài sản trên đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập về thời gian thực hiện, đơn giá để tính bồi thường, dẫn đến người dân có đất thu hồi không đồng thuận. Mặt khác, sự vào cuộc của các cấp chính quyền có nơi, có lúc chưa được quyết liệt; công tác quản lý đất đai tại một số địa phương còn buông lỏng, hồ sơ quản lý đất đai thiếu đồng bộ, không có đủ hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có ranh giới rõ ràng, qua nhiều chủ sử dụng đất…
Nỗ lực giải quyết các tổn tại, vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của các huyện, thành phố đã được tỉnh phê duyệt làm cơ sở để thực hiện việc thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu đầu tư hoạt động vào địa bàn.
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (TN&MT) kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 6 huyện, thành phố (Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc) và chuyển đổi, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai cho 2 huyện (Sông Lô, Lập Thạch); Quyết định về đơn giá bồi thường đối với cây trồng phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB) trên địa bàn tỉnh, ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện một số công việc trong xác định giá cụ thể để tính bồi thường cho một số dự án khi Nhà nước thu hồi đất...
Công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo lợi ích của người dân, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất được UBND tỉnh chú trọng.
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai; tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở dữ liệu đất đai để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, minh bạch quy trình giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện. Đối với UBND các huyện, thành phố, tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất thu hồi, trong đó nêu cao vai trò công tác “dân vận khéo” của các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương.
Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chủ động giải quyết vướng mắc ngay trong quy trình thực hiện; tăng cường bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giải quyết thỏa đáng, kịp thời đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản xây dựng, vật nuôi và cây trồng trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành Quyết định thu hồi đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đặc biệt, tạo quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược "đại bàng" đến "làm tổ" trong các KCN, cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh giải quyết vướng mắc về chênh lệch giá đất tái định cư và giá đất ở thu hồi của các dự án; yêu cầu Quỹ Phát triển đất tỉnh khẩn trương ứng vốn để các địa phương đầu tư khu tái định cư, xây dựng nghĩa trang phục vụ công tác GPMB. Phấn đấu chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2023 nằm trong top 10 các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thăng hạng.
Thanh Hương
Bình luận