Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 07:11
Chủ nhật, 08/09/2024 11:09
TMO - UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau nguồn kinh phí để thực hiện 3 dự án khắc phục sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài khoảng 20,940km, với kinh phí khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm khoảng 83,8km. Trong đó, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22km; bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,8km. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp nên hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa được xử lý vì thiếu kinh phí. Sạt lở ở Cà Mau chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau với đoàn khảo sát về thiên tai của Trung ương vào tháng 8/2024, khoảng 10 năm lại đây, sạt lở đất ven sông đã làm hư hỏng, sụp đổ xuống sông gần 28 km đường giao thông; 334 nhà dân cùng nhiều tài sản khác của người dân và hạ tầng dân sinh do Nhà nước đầu tư bị nước cuốn trôi…, với tổng thiệt hại gần 1.120 tỷ đồng. Sạt lở ven sông có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700 ha, bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1527/QĐ-UBND ngày 24/8/2023 về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm (6 dự án). Thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, do quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp nên hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa được xử lý vì thiếu kinh phí. Ngoài ra, hiện nay tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời.
Ngày 08/10/2023, tỉnh Cà Mau được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để xử lý sạt lở tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 3 dự án khẩn cấp, với chiều dài 7,6km, kinh phí 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc Trung ương hỗ trợ vốn nêu trên chỉ giải quyết được 7,6km/28,54km (tương ứng với 03/06 dự án) sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Hơn 20km bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn biến sạt lở rất phức tạp, cần phải khẩn trương thực hiện giải pháp công trình để bảo vệ an toàn. Ảnh: TH.
Hiện nay, hơn 20km bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau (tương ứng với 03 dự án khẩn cấp) còn lại đang diễn biến sạt lở rất phức tạp, cần phải khẩn trương thực hiện giải pháp công trình để bảo vệ an toàn cho hạ tầng, sản xuất, tính mạng của người dân bên trong, thuộc tình huống khẩn cấp theo Quyết định số 1527/QĐ-UBND ngày 24/8/2023 của UBND tỉnh Cà Mau. Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Cà Mau chính thức kiến nghị với Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh này thực hiện 3 dự án khắc phục sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, 3 dự án sắp xếp thứ tự ưu tiên gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề, chiều dài 7.556m, kinh phí khắc phục 400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà, chiều dài 6.254m, kinh phí khắc phục 350 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, chiều dài 7.130m, kinh phí khắc phục 550 tỷ đồng.
Cà Mau địa hình thấp, là tỉnh duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển, chịu ảnh hưởng của hai chế độ triều cường gồm nhật triều của biển Tây và bán nhật triều không đều của biển Đông. Theo các chuyên gia Cà Mau là địa phương dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau đã hoàn thành dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050. Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thành khoảng 90% việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; các khu vực sạt lở nguy hiểm tại bờ sông cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình.
Để chủ động nguồn lực thực hiện hiệu quả đề án nêu trên, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Cà Mau cần khoảng hơn 31.200 tỷ đồng để đầu tư 177 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và công trình chỉnh trị lòng sông. Trong số này, có 10 công trình chống sạt lở bờ biển; 30 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông; 36 công trình chỉnh trị giảm thiểu xói lở; 5 công trình đê biển; 96 công trình đê ven sông.
Lê Nam
Bình luận