Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ ba, 26/03/2024 15:03
TMO - Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận ứng dụng các công nghệ phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch tỉnh. Cùng với website du lịch Bình Thuận (Việt - Anh) đang được đẩy mạnh vận hành nhằm thực hiện chức năng thông tin, quảng bá điểm đến. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với đơn vị chuyên môn ra mắt và đưa vào vận hành sử dụng Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận với tên miền “muinevietnam.vn” và ứng dụng di động trên 2 nền tảng Android và iOS với tên “Binh Thuan Tourism” và sàn Thương mại du lịch Bình Thuận.
Đồng thời, nghiên cứu, tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích đa dạng vào Cổng Thông tin du lịch thông minh như: bản đồ du lịch trực tuyến, tìm đường, booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, hướng dẫn tham quan trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, tổ chức sự kiện du lịch trực tuyến... phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tương tác và truyền tải thông tin, hình ảnh du lịch của người dân, khách du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn đưa vào sử dụng các phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách như trải nghiệm du lịch thực tế ảo 3D, VR 360, tiện ích quét mã QR tại 19 điểm tham quan du lịch. Bên cạnh đó, việc quảng bá, truyền thông du lịch thời gian qua còn được đẩy mạnh trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram...
Tỉnh Bình Thuận tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch trên nền tảng số, đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch.
Địa phương này xác định, phát triển du lịch thông minh là động lực, sức bật cho ngành du lịch Bình Thuận, vừa phát huy được những thành quả đã tạo dựng, vừa mở ra một không gian, tiềm năng mới cho ngành du lịch. Do đó, thời gian tới Bình Thuận sẽ tập trung phát triển, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đảm bảo đồng bộ, kết nối và liên thông giữa các địa phương; chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý.
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch cần được xây dựng đáp ứng quản lý ngành gồm: Cơ sở lưu trú du lịch; doanh nghiệp lữ hành; doanh nghiệp vận tải khách du lịch; khu du lịch, điểm du lịch; cơ sở kinh doanh các loại dịch vụ du lịch khác (ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch); hướng dẫn viên du lịch; xúc tiến du lịch; nhân lực du lịch; khách du lịch; thống kê du lịch.
Phát triển dữ liệu số phục vụ cho các hoạt động du lịch trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) phục vụ công tác quản lý ngành và nhu cầu tra cứu của người dùng, nâng cao khả năng tương tác trên môi trường số giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch giữa các địa phương; giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và người dân. Xây dựng quy trình kết nối, cập nhật dữ liệu; quy chế quản lý, duy trì, chia sẻ và khai thác dữ liệu trong hệ thống dữ liệu số ngành du lịch; xây dựng trục kết nối liên thông dữ liệu ngành du lịch với các sở, ngành khác có liên quan và các địa phương đảm bảo nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển du lịch.
Trong đó, đối với nhóm ứng dụng hỗ trợ khách du lịch: Nâng cấp, phát triển Cổng thông tin du lịch Bình Thuận, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Phát triển ứng dụng tích hợp trên nền bản đồ số hỗ trợ khách du lịch với tính năng có khả năng theo sát hành trình, cảnh báo an toàn, tiếp nhận phản hồi, chủ động cung cấp thông tin du lịch phù hợp chỉ dẫn cho khách như thông tin về địa danh, đi lại, ẩm thực, lưu trú, mua sắm, nhật ký du lịch, mua vé,...
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (bigdata) phát triển các nền tảng số tạo môi trường tích hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình trải nghiệm du lịch Bình Thuận, hỗ trợ làm giàu thông tin số về du lịch và khách du lịch. Đồng thời tạo công cụ hỗ trợ phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu thu thập được từ khách du lịch, qua đó hình thành công cụ quản lý quan hệ khách hàng phục vụ các chương trình, hệ thống khác.
Đối với nhóm ứng dụng hỗ trợ quản lý Nhà nước về du lịch: Áp dụng công nghệ mới xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng trên thiết bị di động (mobile), công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics), trí tuệ nhân tạo (AI),… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
Xây dựng hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu du lịch Bình Thuận liên thông tới hệ thống cơ sở dữ liệu của các sở, ngành liên quan để phục vụ cho phát triển nền tảng, ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng như đảm bảo về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh, gồm các dữ liệu: xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch, khách du lịch, tài nguyên du lịch, xu hướng thị trường, quản lý doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch, sản phẩm du lịch.
Với nhóm ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh: Khuyến khích các điểm đến du lịch đặc biệt với các điểm đến là các khu du lịch, điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đồng bộ, đầu tư các thiết bị thông minh để phục vụ khách du lịch; tăng cường chuyển đổi, sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử. Đầu tư xây dựng, sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ 3D, AR, VR,… phù hợp với điều kiện của điểm đến nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá điểm đến, tăng tính hấp dẫn cho điểm đến. Ứng dụng công nghệ GIS (Hệ thống thông tin địa lý) kết hợp công nghệ viễn thám, 3D, IoT, AI phát triển hệ thống bản đồ số để điều hướng, phục vụ nhu cầu tra cứu tại điểm đến du lịch của khách du lịch
Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đồng bộ, đảm bảo khả năng kết nối giữa các hệ thống của cơ sở với các hệ thống chung của ngành. ây dựng, phát triển các ứng dụng kết nối doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch; ứng dụng hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trong quá trình hành nghề (thuyết minh du lịch tự động bằng các ngôn ngữ khác nhau)...
Đức Tuấn
Bình luận