Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ hai, 29/05/2023 07:05
TMO - Tỉnh Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành nông nghiệp, nhằm làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại và thông minh.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hay còn gọi là chuỗi giá trị. Qua phân tích dữ liệu, người nông dân sẽ có những quyết định đúng đắn hơn về cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhu cầu thị trường và kiểm soát được lượng cung-cầu.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước bước đầu hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số và thông tin tuyên truyền chuyển đổi số trong nông nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã (HTX), nông dân. Tăng cường truyền thông, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng, chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, thương mại điện tử, chuyển đổi số vào quản trị, sản xuất, kinh doanh...
Thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả rất tích cực trên nhiều lĩnh vực: cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu (19 mã số cơ sở với diện tích hơn 1.997ha); hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (84 hợp tác xã nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị); ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất (toàn tỉnh có 22 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài, trong đó có 18 hợp tác xã nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic); nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử...
Bình Phước có 226 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 196 hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai và đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 17-9-2021 của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đồng Xoài.
Lĩnh vực chăn nuôi và thú ý đang tiến hành báo cáo dịch bệnh động vật cấp tỉnh trực tuyến qua Hệ thống VAHIS do Cục Thú y xây dựng; sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ, lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis), báo cáo tình hình dịch bệnh động vật (Vahis). Lĩnh vực lâm nghiệp đang triển khai ứng dụng hiệu quả các phần mềm: Quản lý động vật hoang dã (http://wl.globits.net); theo dõi, cập nhật diễn biến rừng (FORMIS); thống kê ngành lâm nghiệp (http://giamsatdanhgia.com/cms.nc/); theo dõi cháy rừng trực tuyến.
Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu và chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành nông nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành. Trong khi đó, tỉnh có địa bàn rộng; nhiều dân tộc, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều… nên việc tuyên truyền, triển khai chuyển đổi số trong nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về chuyển đổi số của người dân và hợp tác xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Để tiếp tục tăng cường việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng tỉnh ẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, việc định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phải được chú trọng.
Tăng cường xây dựng các chương trình, mô hình sản xuất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa, khuyến khích người nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng, xây dựng các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả thông qua tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng…
Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã nêu rõ đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 - 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
Trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Đức Trung
Bình luận