Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 10/01/2025 18:01
Thứ năm, 30/11/2023 08:11
TMO - Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Bến Tre đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn nước đối với đời sống, sản xuất; đồng thời, triển khai thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này.
Số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, tổng lượng mưa trung bình năm khu vực tỉnh Bến Tre biến đổi từ 1.400 – 1.600 mm. Tổng lượng nước mưa bình quân năm trên toàn tỉnh Bến Tre là 3.591.300.000 m3 /năm, tổng lượng mưa bình quân trên 1 km2 là 1,5 triệu m3 /km. Nguồn nước mặt ở tỉnh Bến Tre do sông Tiền cung cấp, trước khi đổ ra biển tách ra làm 04 nhánh sông, gồm sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, phân bố như hình nan quạt, ôm trọn 03 dải cù lao Bến Tre.
Ngoài bốn con sông chính trên, tỉnh còn có một mạng lưới sông, rạch, kênh đào chằng chịt nối liền nhau, tạo thành một mạng lưới giao thông và thủy lợi rất thuận tiện. Hàng năm, với lưu lượng trung bình mùa khô (tại Mỹ Thuận) khoảng từ 1.693,5 - 2.887,4 m3 /s và mùa mưa là 7.576,1 – 18.924,4 m3 /s sinh ra tổng lượng bình quân mùa khô và mùa mưa lần lượt là 25,12 tỷ m3 và 145,30 tỷ m3. Theo Báo cáo tiềm năng nước dưới đất tỉnh Bến Tre (năm 2018), tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bến Tre khá phong phú với 7 tầng chứa nước đáp ứng được một phần nhu cầu khai thác nước phục vụ cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất.
Ngành trồng trọt (sản xuất lúa, cây ăn trái) vẫn là những đối tượng sử dụng nước chiếm phần lớn tổng nhu cầu nước toàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 67 công trình cấp nước tập trung (nhà máy nước) với tổng công suất ước gần 10.000 m3 /h tương đương 240.000 m3 /ng.đ. Hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho 179.947 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh có 68 kênh trục với tổng chiều dài 363,52 km tạo nguồn cấp nước tưới và trên 622 km kênh cấp 1, cấp 2 và 2.009 km kênh cấp 3 nội đồng do địa phương quản lý. Toàn bộ hệ thống cống trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ điều tiết nước tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tổng lượng nước ngọt đã khai thác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (lúa, rau màu, chăn nuôi) trong năm 2021 ước khoảng 500,3 triệu m3. Ngoài ra nguồn nước trên địa bàn tỉnh còn cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tỉnh Bến Tre hiện sử dụng hệ thống kênh, cống kết hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp theo các mô hình trồng lúa, cây ăn trái, …
Dự báo, nhu cầu sử dụng nước trong mùa khô vẫn chiếm phần lớn nhu cầu nước trong năm (chiếm tới 72% tổng nhu cầu nước). Ngành trồng trọt (sản xuất lúa, cây ăn trái) vẫn là những đối tượng sử dụng nước chiếm phần lớn tổng nhu cầu nước toàn tỉnh (ước chiếm khoảng 80% tổng nhu cầu nước ngọt). Nhìn chung, nhu cầu nước tỉnh Bến Tre theo các giai đoạn phát triển là rất lớn, chiếm bình quân 3,1 – 3,2% tổng nhu cầu nước ĐBSCL (Nhu cầu nước ĐBSCL khoảng 21-23 tỷ m3 /năm). Trong các loại hình nhu cầu sử dụng nước, thì nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, chăn nuôi là có yêu cầu về chất lượng nguồn nước cao. Về mặt số lượng, thì nhu cầu sử dụng nước cho tưới là lớn nhất. Về mặt thời gian, thì trong năm, yêu cầu nước vào mùa khô là lớn nhất, chiếm tới 80% tổng nhu cầu nước.
Sở TN&MT Bến Tre cho biết, trước những áp lực của BĐKH và nước biển dâng, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 4646 nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình số 10 ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030.
Từ Kế hoạch của UBND tỉnh Bến Tre, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai, tuyên truyền các nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn tài nguyên nước đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ tầm quan trọng của tài nguyên nước, nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước. Ngoài ra, Bến Tre cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, theo tiến độ hoàn thành và công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hàng năm trên địa bàn tỉnh các năm tiếp theo.
Tỉnh Bến Tre khai thác sử dụng nguồn nước mặt hợp lý, phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước của từng vùng, từng khu vực để bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre khai thác sử dụng nguồn nước mặt hợp lý, phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước của từng vùng, từng khu vực để bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững lâu dài; Việc bố trí phát triển các công trình khai thác nước mới phải bảo đảm không vượt quá giới hạn khai thác, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, kênh cho phép khai thác, phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của vùng liên tỉnh; Ưu tiên khai thác nguồn nước để cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, kế đến là phát triển sản xuất các ngành, lĩnh vực cần thiết. Khai thác, sử dụng nước phải gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Trong điều kiện bình thường: Đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng nước cho các ngành theo thứ tự ưu tiên: mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ - du lịch và phục vụ giao thông thuỷ, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông, hạn chế và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. - Trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước: Đảm bảo đủ 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt và đáp ứng tối đa khả năng của nguồn nước cho các mục đích khác.
Nguồn cấp nước ngọt chính cho toàn bộ hoạt động dân sinh, kinh tế-xã hội tại tỉnh Bến Tre là nguồn nước được lấy từ sông Tiền phân phối xuống nhánh sông Mỹ Tho, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Tuy nhiên, với vị trí địa lý của tỉnh là phía Đông giáp Biển Đông nên về chế độ dòng chảy trên hệ thống 3 sông chính này sẽ chịu ảnh hưởng của nguồn nước biển ven bờ. Do đó, cần phải có chế độ quan trắc, giám sát độ mặn trên các con sông này tại các cửa lấy nước chính để vận hành đóng mở các cống lấy nước cho phù hợp với yêu cầu của thực tế ở từng khu vực thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre.
Trước dự báo về tình hình biến đổi khí hậu, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phục hồi nguồn nước dưới đất bị suy thoái, cạn kiệt. Trong đó: Thiết lập bản đồ khoanh định vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác, vùng được phép xây dựng mới công trình khai thác và giám sát việc thực hiện các quy định này. Xây dựng hoàn thiện các hệ thống công trình thủy lợi để vừa tạo nguồn phục vụ khai thác nguồn tài nguyên nước mặt cho mục đích sinh hoạt, sản xuất vừa hướng tới giảm quy mô khai thác nguồn nước ngầm. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của cộng đồng (người dân, doanh nghiệp) trong việc tôn trọng và có ý thức trách nhiệm đối với khai thác, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Chủ động thay đổi, điều chỉnh cơ cấu lịch thời vụ hợp lý nhằm né tránh thời tiết cực đoan, nhằm hạn chế sử dụng trong thời kỳ khô hạn.
Giải pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước được nhấn mạnh triển khai: Tất cả các nguồn thải phải được kiểm soát, thông qua chế độ cấp phép. Đối với các khu đô thị mới, cần quy hoạch hệ thống cấp, xả nước riêng biệt. Nước xả trước khi đổ ra sông rạch phải được tập trung về một chỗ để xử lý (trước mắt nếu chưa có khả năng xây dựng các nhà máy xử lý, có thể áp dụng các biện pháp sinh học: khu vực xử lý là các hồ, đầm lầy trên đó trồng nhiều loại cây có khả năng làm sạch nước như Lục bình, bèo tây...). Hệ thống tiêu thoát tại các khu đô thị, dân cư cũ cũng cần phải được cải tạo, xây mới. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên nhằm giúp địa phương này đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đức Nam
Bình luận