Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ ba, 12/09/2023 08:09
TMO - Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay, số lượng các khu công nghiệp được thành lập đang ngày càng gia tăng tại khu vực Đông Nam Bộ. Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần triển khai đồng bộ giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng xanh, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường tại hoạt động kinh tế tại khu vực này.
Là trung tâm kinh tế của cả nước, Vùng Đông Nam Bộ đã và đang phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương được xem là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và dự án FDI lớn nhất cả nước. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay, số lượng các khu công nghiệp được thành lập để thực hiện thu hút các dự án đầu tư công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường được ban hành đã góp phần cải thiện đáng kể công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp.
Trong bối cảnh tài nguyên tự nhiên dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các quốc gia và doanh nghiệp có xu hướng tìm đến Chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với khủng hoảng cạn kiệt tài nguyên. Kinh tế xanh là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, trung tâm công nghiệp, tài chính của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò then chốt.
Có nhiều lĩnh vực tác động chủ yếu đến Kinh tế xanh của TP.HCM như phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…TP.HCM xác định Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và mong muốn, kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện được mục tiêu.
TP.HCM yêu cầu các KCN-KCX hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường nhất là hệ thống xử lý nước thải.
Tại TP.HCM, 17/19 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) được thành lập đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê gần 1.900/2.600ha, tỷ lệ lấp đầy 70,57%. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của KCX - KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCMTheo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCMtại 17 KCN - KCX đã đi vào hoạt động có 19 trạm xử lý nước thải tập trung (trong đó KCN Tân Tạo và KCN Hiệp Phước có 2 trạm), tổng công suất thiết kế là 93.500 m3/ngày đêm; công suất vận hành 54.910 m3/ngày đêm. Tất cả các trạm xử lý nước thải tập trung đều có hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu 24/24h về Sở TN&MT.
Tuy nhiên, một số KCN đã hoạt động lâu năm nên hạ tầng môi trường xuống cấp như đường ống thu gom nước thải bị lún sụt, dẫn đến nguy cơ nước thải chưa được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung thoát ra bên ngoài gây ô nhiễm. ộ trình đến năm 2025, các KCN hiện hữu của TP.HCM sẽ chuyển dần sang KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cũng xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao, bao gồm: Cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nằm ở trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, tỉnh Bình Dương có số lượng lớn các khu công nghiệp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương được xếp hạng là địa bàn hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 tại Việt Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh) thu hút được 4.041 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 39,4 tỷ USD.
Với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, có thể thấy, quỹ đất hiện tại của các khu công nghiệp tại Bình Dương đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, các dự án trong KCN đã bắt đầu áp dụng những giải pháp sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời áp mái, khí CNG thay than), sinh khối (biomass: Mùn cưa, viên nén trấu...) trong sản xuất, hay tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong sản xuất. Hiện tỉnh cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng thành KCN sinh thái. Kết quả nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, cũng như đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đều có hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 205.800 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.303 tỷ đồng, bảo đảm tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp.
Nước thải sau khi xử lý đều được giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, đủ tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường. Theo kết quả quan trắc gần đây, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh được cải thiện qua từng năm. Đầu tháng 7 vừa qua, Dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành chính thức được khởi công xây dựng, trở thành khu công nghiệp thứ 32 tại tỉnh Đồng Nai. Dự án với tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ban đầu 282 triệu USD, hướng đến thu hút các nhóm ngành sản xuất công nghệ thế hệ mới. Đây là khu công nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai chuyên ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, hướng đến nền công nghiệp xanh, đúng định hướng của tỉnh.
Tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa tiếp tục tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp đang hoạt động; đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; giám sát việc xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát nước thải sau xử lý của các khu công nghiệp và các doanh nghiệp xả thải theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đôn đốc các nguồn thải thuộc đối tượng lắp đặt quan trắc tự động nước thải khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường trước ngày 01/01/2024.
Bình Dương đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh-sinh thái.
Tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động… Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái… để khuyến khích doanh nghiệp và địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, hưởng ứng việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Tại tỉnh Đồng Nai, thực hiện Chuyển đổi Xanh kết hợp tăng trưởng kinh tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng với môi trường của kinh tế tỉnh Đồng Nai gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ; đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai phát triển các ngành công nghiệp-xây dựng có hàm lượng khoa học-công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường.
Để hỗ trợ, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp khu công nghiệp sinh thái và mong muốn có nhiều khu công nghiệp hoàn thành việc chuyển đổi để được chứng nhận khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới.
Theo đó, mục tiêu, phương pháp xây dựng và đề xuất áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái cho Việt Nam bao gồm: giới thiệu khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái; tiêu chí khu công nghiệp sinh thái theo quy định của Việt Nam; Phương pháp xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu và khả năng áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái. mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Quốc Đạt
Bình luận