Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ tư, 25/01/2023 06:01
TMO - Thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản.
Thực hiện hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả; cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản được xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia; Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thúc đẩy tăng diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững; Mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.
Để phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh tới các nhiệm vụ cần đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Theo đó, địa phương này tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản thông qua hướng dẫn kỹ thuật về chủ động phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải trong các hoạt động thủy sản có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; Xây dựng, triển khai các kế hoạch quản lý môi trường trong hoạt động thủy sản; Xây dựng các quy định nhằm thực hiện mục tiêu thu gom, giảm thiểu chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản; đặc biệt đối với các cơ sở/hộ gia đình khai thác, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh quy mô nhỏ.
Tỉnh Kon Tum chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản với việc điều tra, đánh giá tổng thể nguồn thải trong các hoạt động thủy sản (khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản); Xây dựng, ban hành kế hoạch quản lý môi trường và thực hiện các giải pháp kiểm soát chất thải các hoạt động thủy sản; chú trọng việc kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm; Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ các thông số môi trường tại các nguồn nước cấp chính cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum; Cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản được xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia.
Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản với việc xây dựng các mô hình phòng ngừa, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường và từng bước áp dụng trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, hạ tầng cơ sở thủy sản; kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong hoạt động thủy sản; Nâng cao năng lực, kỹ năng phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường cho người dân và các bên liên quan; Tham gia ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo phân công về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động thủy sản; Xây dựng và từng bước áp dụng mô hình doanh nghiệp/cơ sở/tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, chế biến, khai thác, kinh doanh thủy sản theo hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường; Hướng dẫn, hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển cụm liên kết/cụm làng nghề chế biến thủy sản bền vững, mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mô hình sản xuất thủy sản hữu cơ, bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học Bảo vệ các bãi cá đẻ tự nhiên, quy định cụ thể mùa vụ khai thác, cỡ cá khai thác, quy định mắc lưới tối thiểu dùng để khai thác, quản lý vùng cấm khai thác có thời hạn với các bãi cá đẻ. Thường xuyên điều tra, đánh giá nguồn lợi, đặc tính di cư sinh sản và xu hướng biến động nguồn lợi của một số giống loài thủy sản quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế như cá Lăng, cá Bống, cá Niên, cá Anh vũ, cá Trà sóc… để xây dựng các quy định khai thác hợp lý. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản theo các vị trí đã được quy hoạch để giảm sức ép khai thác tại các bãi cá đẻ, bãi thủy sinh vật còn non.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện thu hút đầu tư, huy động nguồn lực thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Phối hợp với các đơn vị có liên quan lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch nêu trên vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản tại địa bàn.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng các đề tài, dự án, đề án nghiên cứu khoa học có liên quan đến thủy sản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động thủy sản nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và thân thiện với môi trường....
Lê Tân
Bình luận