Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ sáu, 22/04/2022 17:04
TMO - Là một trong những địa phương tiếp nhận nguồn nước chính từ hệ thống sông Hồng và sông Đáy, những năm qua tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên nước, cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nước trước nguy cơ gia tăng ô nhiễm.
Những năm qua, Hà Nam đã tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Hiện nay, các cơ sở sản xuất có công suất hệ thống xử lý nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm, tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động và kết nối truyền tải các thông số quan trắc nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, 8 cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, 5 cơ sở đã truyền số liệu về Sở.
Công tác quan trắc, giám sát, đánh giá chất lượng nước được thực hiện thường xuyên. Toàn tỉnh đang duy trì 4 trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt trên sông Đáy và sông Hồng; 15 điểm quan trắc, giám sát chất lượng nước trên sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Hồng và các hồ Chùa Bầu, hồ Ba Sao; thực hiện lấy mẫu hàng năm tại 15 điểm do Trung tâm Quan trắc Phân tích Môi trường tỉnh thực hiện. Với nước dưới đất, duy trì quan trắc tại 8 công trình thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia; rà soát, bổ sung việc quan trắc, lấy mẫu tại 17 điểm khác hàng năm.
Tỉnh Hà Nam tăng cường bảo vệ môi trường nước trên ngã ba sông (sông Châu, sông Nhuệ, sông Đáy)-khu vực thường xuyên ô nhiễm
Đặc biệt, trước nguy cơ ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy do nước thải từ Hà Nội đổ về, tỉnh đã có nhiều văn bản gửi Bộ TN&MT, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên các sông ở địa phương.
Đồng thời, phê duyệt Danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ; phê duyệt 61 vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, đảm bảo đúng quy trình, quy định, hạn chế việc các tổ chức, cá nhân sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, xả thải không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép.
Hàng năm, Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động tài nguyên nước. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các lỗi vi phạm chính, gồm: Không có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; không thực hiện đúng tần suất quan trắc, quan trắc không đầy đủ các thông số theo quy định; không lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát, xử lý nước thải…
Tỉnh Hà Nam yêu cầu các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nâng cao hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn
Từ khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành đến nay, Hà Nam đã cấp 39 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 20 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất; 41 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. 100% các tổ chức khi lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng nước phải định kỳ quan trắc chất lượng nước, chất lượng nước thải; lập phương án phòng chống ô nhiễm suy thoái cạn kiệt nguồn nước, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.
Thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cấp, ngành, các doanh nghiệp và nhân dân về các quy định trong quản lý tài nguyên nước. Thực hiện nghiêm các Quy hoạch đã được phê duyệt; quản lý chặt chẽ các hoạt động thăm dò, khai thác nước mặt, nước dưới đất, xả thải vào nguồn nước. Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thực hiện Luật tài nguyên nước; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.
Xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư với các doanh nghiệp có năng lực, thiết bị công nghệ tiên tiến, đảm bảo về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý tài nguyên nước, nhất là ở cấp huyện, xã. Thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp cùng với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn tỉnh.
Thu Hương
Bình luận