Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ tư, 24/04/2024 13:04
TMO - Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn nhất ở Việt Nam. Khu vực rừng ở đây được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học rất cao, với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu. Chính từ những giá trị này, công tác quản lý rừng bền vững tại đây cần được đẩy mạnh triển khai.
UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt phương án Quản lý rừng bền vững tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong trên địa bàn xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy đến năm 2030. Theo đó, Phương án Quản lý rừng bền vững Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (Khu DTTN) đến năm 2030 do Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong quản lý.
Tổng diện tích đất được giao quản lý tính đến ngày 31/12/2023 là 22.210,22 ha phân bố trên địa bàn xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy và đất có rừng 21.937,17 ha. Tổng trữ lượng các loại rừng được giao quản lý có 3.346.475,24 m3 gỗ, riêng trữ lượng rừng đặc dụng 3.345.049,01 m3 gỗ và rừng sản xuất 1.426,23 m3 gỗ. Khu DTTN có 1.030 loài thực vật thuộc 599 chi, 144 họ, 05 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó 63 loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên quản lý, bảo tồn và giám sát biến động; 357 loài động vật có xương sống thuộc 251 giống, 97 họ, 26 bộ, trong đó 61 loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên quản lý, bảo tồn và giám sát biến động.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với giá trị đa dạng sinh học cao. Ảnh: TTX.
Phương án đề ra mục tiêu bảo vệ nguyên vẹn 21.937,17 ha đất có rừng hiện có, gồm 21.768,17 ha rừng tự nhiên, 169,0 ha rừng trồng và 273,05 ha đất chưa có rừng; duy trì độ che phủ rừng ổn định đến năm 2030 trên 98,77%; phát huy tối đa chức năng nghiên cứu khoa học, phòng hộ đầu nguồn của rừng, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì, bảo vệ và phát triển bền vững 63 loài thực vật, 61 loài động vật rừng quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và các loài quan trọng khác…
Ngoài ra, phương án cũng bao gồm nhiệm vụ thu hút, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương; xây dựng, triển khai 04 - 05 mô hình sinh kế bền vững, góp phần tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân; phát triển được khoảng 11 mô hình sinh kế gắn với cộng đồng khu vực vùng ven để nâng cao cuộc sống người dân, từ đó giảm mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng; khai thác tiềm năng, lợi thế về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí...
Các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm sẽ tiếp tục quản lý và sử dụng có hiệu quả toàn bộ diện tích 22.210,22 ha; sử dụng đất trong quy hoạch 3 loại rừng 22.204,71 ha; tiến hành khoán bảo vệ cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư; quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng; triển khai chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.
Cán bộ Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thuỷ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: HA.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí để làm cơ sở tổ chức, liên kết, cho thuê môi trường rừng tại những địa điểm có tiềm năng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khu vực có cảnh quan tự nhiên đẹp, nguyên sơ; xây dựng hạ tầng phục vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng và du lịch sinh thái cùng một số hoạt động liên quan như dịch vụ cho cộng đồng; chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê môi trường rừng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, điều tra, kiểm kê rừng.
Vào năm 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Khu DTTN này nằm ở phía Tây Nam của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, có độ cao gần 700 m so mực nước biển. Đây là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn nhất tại Việt Nam và có các khe suối uốn lượn tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Rừng nơi đây có giá trị cao về đa dạng sinh học, có nhiều loài động vật quý hiếm như: Bò tót, Sao La, Mang Lớn, Mang Trường Sơn, Chà vá chân nâu, Trĩ sao, Hồng hoàng, Khứa mỏ dài, các loài gà lôi… Thực vật có các loài gỗ có giá trị, Gụ mật, Gụ lau, Lim xanh, Vù hương, Re hương, Dạ hương…
Với việc thành lập Khu DTTN góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong vùng về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng trong khu vực, giảm dần sức ép của vùng đệm đối với tài nguyên rừng. Trong 4 năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã nên giá trị đa dạng sinh học động, thực vật tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong không ngừng tăng cao.
Nguyễn Hoàng
Bình luận