Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 23/10/2024 06:10
TMO - Áp dụng công nghệ là hướng đi đúng đắn trong việc bảo tồn và phát huy kho tàng đồ sộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại trong tái hiện các giá trị di sản văn hoá sẽ tăng trải nghiệm mới lạ cho du khách, từ đó phát triển kinh tế, xã hội, du lịch bền vững hơn.
Thừa Thiên-Huế là địa phương có bề dày lịch sử cùng kho tàng di sản văn hóa đặc sắc trường tồn cùng thời gian. Nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả quảng bá, tạo thế mạnh cho hoạt động phát triển du lịch của tỉnh. Sự thành công của nhiều di tích văn hóa, lịch sử khi làm “sống lại” và tăng thêm giá trị cho di sản, nhất là các khâu giới thiệu, quảng bá, quản lý du lịch bằng việc triển khai các giải pháp công nghệ đã minh chứng rõ nét cho xu hướng này.
Đơn cử như tại Hoàng cung - Đại Nội Huế, Ban quản lý đã tăng cường chuyển đổi số, mang đến sự thích thú cho cho du khách. Nhiều du khách chia sẻ rằng, tham quan Hoàng cung - Đại Nội Huế hiện nay mang tới những cảm xúc mới lạ khi có cơ hội “sống” trong khung cảnh cung đình xưa được tái hiện qua công nghệ thực tế mở rộng XR và thực tế ảo VR.
Dưới góc nhìn thực tế ảo, một du khách đến từ Vĩnh Long cho biết, có trải nghiệm cực kỳ chân thực như đang ngược dòng thời gian về quá khứ hàng trăm năm trước của hoàng cung Triều Nguyễn, được đưa trở về thế kỷ XIX. Có cảm giác như đang thực sự đi dạo trong những khu vườn rợp bóng cây.
Một số du khách khác chọn trải nghiệm trò chơi Đầu Hồ (trò chơi khá phổ biến dưới Triều Nguyễn, được vua và quan lại yêu thích) bằng công nghệ VR tiên tiến, sau khi đeo Headset VR và chơi trò VR Đầu Hồ cùng các du khách khác đều có cảm nhận chung rằng đây là sản phẩm dịch vụ công nghệ rất thú vị, như trò chơi thật trong thực tế.
VR Đầu Hồ mang lại cho du khách trải nghiệm mới, sống động về trò chơi truyền thống của Việt Nam bằng nội dung thực tế ảo VR. Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi di sản văn hóa Huế. Ngoài ra, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, 10 cổ vật Triều Nguyễn được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion – Định danh số vạn vật, đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm cả trên không gian thực và số. Theo đó, những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số.
Lãnh đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thông tin thêm, để tìm hiểu thông tin chi tiết về các hiện vật, điểm di tích, du khách chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://museehue.vn, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét của vật phẩm, tương tác đa chiều và trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử, văn hóa chân thực.
Trải nghiệm, khám phá "Đi tìm Hoàng cung đã mất" với công nghệ VR. (Ảnh minh hoạ: VT).
Mới đây, Di tích Hải Vân Quan cũng được số hóa bản đồ du lịch 3D, mang đến hành trình khám phá mới lạ, kết hợp giữa lịch sử và công nghệ hiện đại tại thắng cảnh được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này. Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để chạm vào bảng check-in gắn chip NFC tại các điểm tham quan, từ đó truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại Hải Vân Quan.
Đây không chỉ là việc cung cấp thông tin mà còn là cách để người tham quan thực sự hòa mình vào dòng chảy lịch sử, cảm nhận rõ nét từng khoảnh khắc mà nơi đây đã trải qua và ghi dấu. Bản đồ du lịch số 3D còn mở ra khả năng khám phá từ xa, cho phép người dùng tương tác với 9 điểm di tích quan trọng của Hải Vân Quan ở bất cứ đâu trên thế giới.
Công nghệ số đã đưa di sản Huế vượt qua giới hạn về không gian và thời gian, đưa trải nghiệm di sản lên tầm cao mới. Theo Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản đã không dừng lại ở việc đơn giản là đưa dữ liệu lên internet, mà còn để di sản được tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau trên môi trường số, từ đó tạo ra giá trị gia tăng từ di sản và cho di sản.
Về triển vọng làm tăng thêm giá trị cho cho các hiện vật, di tích lịch sử bằng công nghệ số là phương án rất khả thi và là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Trong giai đoạn tiếp theo, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên-Huế dựa trên 3 trụ cột với trung tâm là du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa, hy vọng rằng sẽ có thêm các giải pháp công nghệ và ý tưởng mới được ứng dụng tại các điểm di tích lịch sử, hiện vật…để không chỉ bảo tồn, gìn giữ mà còn phát huy những giá trị vượt thời đại, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thu hút khách du lịch về với mảnh đất lịch sử này.
Hoài Anh
Bình luận