Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 27/06/2024 05:06
TMO - Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương và ngành Kiểm lâm tiến hành cắm mốc phân định ranh giới giữa khu vực bảo tồn và đất canh tác của người dân để ngăn chặn tình trạng xâm lấn và giữ gìn sinh cảnh của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn.
Khu Di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam. Ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ra Quyết định số 54VH/QĐ công nhận Mỹ Sơn là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật. Khu Di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/12/1999.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là một di tích đặc biệt, không chỉ là quần thể công trình kiến trúc đền tháp mà còn gắn với vùng cảnh quan độc đáo xung quanh. Những thực thể núi, sông, suối nơi đây đều có giá trị về văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tạo nên trung tâm tôn giáo quan trọng bậc nhất của Vương quốc Champa. Đây là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử quý giá được tỉnh Quảng Nam bảo tồn và khai thác một cách hiệu quả.
Tháng 10/2020, Khu bảo vệ cảnh quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được công bố thành lập nhằm mục tiêu bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động thực vật hoang dã hiện có, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái rừng. Tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn rộng hơn 1.160ha, trong đó có hơn 1.100ha rừng tự nhiên, thuộc hai xã Duy Phú và Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Khu bảo vệ cảnh quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn rộng hơn 1.160ha, trong đó có hơn 1.100ha rừng tự nhiên. Ảnh: TĐ.
Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho biết: Kết quả điều tra chi tiết vào đầu tháng 7/2022 cho thấy, trong các khu rừng thuộc Khu vực bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên có 37 loài thú sinh sống, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt trong các khu rừng này còn có một số loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: Cu li lớn, Tê tê Zava, Mèo rừng, Cầy hương, Trút và 238 loài thực vật, thuộc 18 chi, 82 họ là những đơn vị cấu thành nên hệ thực vật Việt Nam.
Để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá này, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp cùng chính quyền các xã Duy Phú, Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và ngành Kiểm lâm tiến hành cắm mốc phân định ranh giới giữa khu vực bảo tồn và đất canh tác của người dân để ngăn chặn triệt để tình trạng xâm lấn và giữ gìn sinh cảnh của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn. Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn được đầu tư gần 100 tỷ đồng để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá, nhằm góp phần phát triển sản phẩm du lịch, bảo tồn và khai thác có hiệu quả, bền vững Di sản.
Ngoài việc phân giới cắm mốc, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn còn phối hợp với các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo tồn và ngăn chặn tình trạng săn bắn, khai thác trái phép, góp phần bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.
Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn ký quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng với các địa phương, lực lượng kiểm lâm. Ảnh: BQN.
Mới đây, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và UBND xã Sơn Viên (Nông Sơn) vừa ký quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng. Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và UBND xã Sơn Viên sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ rừng bao gồm: tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, tuần tra kiểm tra rừng, phối hợp cung cấp thông tin, báo cháy, phối hợp khi có tình huống xấu như cháy rừng xảy ra.
Xã Sơn Viên là đơn vị thứ hai sau Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam được Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn ký kết quy chế phối hợp. Ngoài công tác bảo vệ rừng, giữa 4 địa phương, đơn vị có rừng giáp ranh là Sơn Viên, Quế Trung (Nông Sơn), Duy Phú (Duy Xuyên) và Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn còn ký kết kết nghĩa trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Để công tác quản lý bảo vệ rừng cảnh quan đạt hiệu quả, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn thành lập đội xung kích bảo vệ rừng nhằm phối hợp với UBND xã Sơn Viên, cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, săn, bẫy bắt động vật rừng, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, lấn, chiếm đất rừng xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa rừng cảnh quan và xã Sơn Viên. Đồng thời bố trí phương tiện, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để theo dõi nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phận quản lý.
Rừng đặc dụng được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn có tổng diện tích 1.093ha, có sự đa dạng về sinh thái, động thực vật phong phú. Để bảo vệ rừng, việc trao đổi thông tin giữa Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, chính quyền địa phương và cộng đồng thực hiện thường xuyên thông qua các hình thức trao đổi bằng văn bản, trực tiếp qua điện thoại, tin nhắn SMS, Zalo công vụ hoặc thông qua cuộc họp giao ban, đột xuất, qua đầu mối cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý và cán bộ lâm nghiệp xã nhằm giúp cơ quan có liên quan, cộng đồng vùng giáp ranh triển khai công tác chữa cháy rừng một cách kịp thời, hiệu quả.../.
Lê Dung
Bình luận