Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 04/07/2024 14:07
TMO - Được đánh giá là vùng đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu, công tác bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) được tỉnh Quảng Bình chú trọng triển khai.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích hơn 22.210ha. Đây là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh đã được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đánh giá là 1 trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu. Hiện đang có 61 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên quản lý, bảo tồn và giám sát biến động tại đây.
Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu - Khe Nước Trong bảo tồn được trên 50% (khoảng 10.000ha) diện tích rừng nhiệt đới thường xanh vùng núi thấp gần như còn nguyên vẹn. Hiện, tổng trữ lượng các loại rừng của KDTTN là 3.346.475,24m3 gỗ; riêng trữ lượng rừng đặc dụng 3.345.049,01m3 gỗ và rừng sản xuất 1.426,23m3 gỗ. Tại khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, theo số liệu điều tra bước đầu đã thống kê thống kê được 1.030 loài, trong 599 chi, thuộc 144 họ trong 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 36 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong bảo tồn được trên 50% (khoảng 10.000ha) diện tích rừng nhiệt đới thường xanh vùng núi thấp. Ảnh: TTX.
Theo số liệu thống kê của Ban quản lý KDTTN Động Châu – Khe Nước Trong, khu vực này là nơi cư trú của 76 loài thú, 214 loài chim và 671 loài bò sát. Trong đó có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Mới đây, nhiều loại động vật hiếm và nguy cấp nằm trong sách đỏ được phát hiện tại KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong qua hình thức đặt bẫy ảnh. Thông qua việc khảo sát và bẫy ảnh Ban quản lý KDTTN Động Châu – Khe Nước Trong đã phát hiện nhiều loài thú quý hiếm cần bảo tồn như: Chà vá chân nâu, gấu ngựa, voọc Hà Tĩnh, thỏ vằn… Đây có thể coi là một phát hiện cho thấy sự đa dạng sinh thái và là nơi có môi trường sống lý tưởng cho các loại động vật.
Thời gian qua, Ban quản lý KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong đã ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, như: Hoàn thành việc đánh giá công cụ METT, COPS, hoàn thành kế hoạch thu bẫy ảnh và tổng hợp dữ liệu ảnh; đánh giá hiện trạng động vật hoang dã khu dự trữ, áp dụng công cụ SMART Mobile vào tuần tra giám sát, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; xây dựng website của đơn vị; triển khai thực hiện tốt công tác giao khoán 17.392ha rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất.
Bên cạnh đó, thông qua việc phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn, ký cam kết, Ban quản lý KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, vai trò của rừng đối với các thôn/bản sống gần rừng, liền rừng. Nhờ đó, người dân đã dần hiểu vai trò, mục đích của công tác bảo vệ động vật hoang dã, các chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, có trách nhiệm trong việc chung tay bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng...
Ban quản lý KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong cho biết, trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng tốt nên giá trị đa dạng sinh học của khu dự trữ được bảo tồn đúng mức và không ngừng tăng cao. KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong cũng là nơi được nhiều tổ chức trên thế giới hỗ trợ, đầu tư nhiều dự án có giá trị trong việc chung tay bảo tồn giá trị đa dạng sinh học động, thực vật ở đây. Trong 4 năm qua, chỉ riêng nguồn quỹ trồng và phát triển rừng cùng quỹ trồng rừng thay thế, tỉnh Quảng Bình đã chi ra hàng tỷ đồng để trồng trên 200.000 cây bản địa có giá trị như lim, dổi nhằm phục hồi cảnh quan, nâng cao độ đa dạng sinh học ở KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong.
Ban quản lý KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học tại khu vực này.
UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt phương án Quản lý rừng bền vững tại KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong trên địa bàn xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy đến năm 2030. Theo đó, Phương án Quản lý rừng bền vững KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong đến năm 2030 do Ban Quản lý KDTTN Động Châu - Khe Nước Trong quản lý.
Phương án đề ra mục tiêu bảo vệ nguyên vẹn 21.937,17 ha đất có rừng hiện có, gồm 21.768,17 ha rừng tự nhiên, 169,0 ha rừng trồng và 273,05 ha đất chưa có rừng; duy trì độ che phủ rừng ổn định đến năm 2030 trên 98,77%; phát huy tối đa chức năng nghiên cứu khoa học, phòng hộ đầu nguồn của rừng, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì, bảo vệ và phát triển bền vững 63 loài thực vật, 61 loài động vật rừng quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và các loài quan trọng khác…
Ngoài ra, phương án cũng bao gồm nhiệm vụ thu hút, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương; xây dựng, triển khai 04 - 05 mô hình sinh kế bền vững, góp phần tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân; phát triển được khoảng 11 mô hình sinh kế gắn với cộng đồng khu vực vùng ven để nâng cao cuộc sống người dân, từ đó giảm mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng; khai thác tiềm năng, lợi thế về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí...
Các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm sẽ tiếp tục quản lý và sử dụng có hiệu quả toàn bộ diện tích 22.210,22 ha; sử dụng đất trong quy hoạch 3 loại rừng 22.204,71 ha; tiến hành khoán bảo vệ cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư; quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng; triển khai chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí để làm cơ sở tổ chức, liên kết, cho thuê môi trường rừng tại những địa điểm có tiềm năng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khu vực có cảnh quan tự nhiên đẹp, nguyên sơ; xây dựng hạ tầng phục vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng và du lịch sinh thái cùng một số hoạt động liên quan như dịch vụ cho cộng đồng; chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê môi trường rừng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, điều tra, kiểm kê rừng.../.
PV
Bình luận