Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 19/12/2023 14:12
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm tăng khả năng tích trữ nước, duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; đồng thời, giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Long An đã hình thành một hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn chỉnh bao gồm: Các tuyến kênh trục tưới, tiêu thoát lũ; hệ thống đê bao lửng - trạm bơm điện nhỏ; hệ thống đê bao phòng chống lũ, triều cường, xâm nhập mặn; nhiều cống, trạm bơm lớn đầu mối cùng hệ thống kênh rạch tưới, tiêu đảm bảo phục vụ sản xuất và an toàn cho khu vực canh tác, người dân Hệ thống kênh các cấp có nhiệm vụ cấp nước ngọt, trữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đồng thời đóng vai trò là các tuyến thoát lũ, chuyển lũ…
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành khoảng 8.816km kênh, mương; 869 cống tưới và tiêu nước; 291 khu đê bao chống xâm nhập mặn, ngăn lũ và triều cường. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nước tưới tiêu chủ động đạt trên 90%. Trong vùng có khá nhiều cống lớn, đặc biệt tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam như dọc sông Vàm Cỏ Tây. Hệ thống cống, đập này đã góp phần đắc lực trong việc cải thiện điều kiện tưới tiêu, phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, theo báo của ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 02 tuyến đê bao do phân cấp Trung ương quản lý; công trình thuỷ lợi phân cấp tỉnh quản lý, bao gồm: 50 cống (07 cống vừa, 43 cống nhỏ), 08 trạm bơm (05 trạm bơm vừa, 03 trạm bơm nhỏ), 323 tuyến kênh (62 kênh vừa, 261 kênh nhỏ, bao gồm cả hệ thống Khu tưới Đức Hòa) và 30 bờ bao thuỷ lợi (21 bờ bao vừa, 09 bờ bao nhỏ); toàn tỉnh hiện có 1.423 tuyến đê bao, bờ bao lửng chống lũ thời vụ phân cấp huyện quản lý.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm tăng khả năng tích trữ nước, duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống đê bao, bờ bao các loại về cơ bản đã hình thành ở hầu khắp trong vùng dự án; đảm bảo an toàn cho phần lớn diện tích trồng cây ăn quả, lúa hè thu, thu đông và diện tích nuôi trồng thủy sản. Một số vùng nhỏ đã khép kín kiểm soát được lũ chính vụ; một số cụm tuyến dân cư, các trung tâm xã, huyện thị được bảo vệ an toàn trước lũ. Các tuyến đường giao thông như Quốc Lộ 62, Quốc lộ N1, N2 và các tuyến đường liên huyện, liên xã khác đã được gia cố nâng cấp để đảm đương năng lực như các tuyến đê bao vững chắc.
Với vị trí nằm ở hạ nguồn các con sông lớn liên Quốc gia, liên tỉnh như sông Mekong sông Tiền, sông Vàm Cỏ… hàng năm tiếp nhận nguồn nước mặt lớn cung cấp cho sinh hoạt sản xuất và cả các hoạt động về giao thông đường thủy. Trong những năm gần đây, trên vùng thượng nguồn các con sông đã xây dựng những hồ chứa, hồ thủy điện, làm cho hạ nguồn bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô; suy giảm phù sa, ảnh hưởng đến sinh kế...Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh lượng cống, bọng xây dựng được so với yêu cầu còn thiếu và chưa đồng bộ nên chưa chủ động trong tưới, tiêu, kiểm soát lũ. Vì thế, để phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu, kiểm soát lũ, ngăn mặn và chủ động hơn trong quá trình sản xuất nông nghiệp thì cần phải sớm hoàn thiện hệ thống cống, đập trên địa bàn.
Từ các nguồn vốn lồng ghép, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất. Một số dự án lớn được đầu tư kết nối hoàn chỉnh phục vụ cơ bản cho chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như khu tưới Phước Hòa giúp tưới tiêu chủ động cho 10.000ha vùng sản xuất lúa, đậu phộng, rau màu, bắp, nuôi bò,... tại huyện Đức Hòa; dự án thủy lợi Bảo Định giai đoạn 2 cung cấp nước ngọt cho trên 5.000ha đất sản xuất thanh long, 10.000ha đất sản xuất lúa 3 vụ tại huyện Châu Thành và TP.Tân An; các dự án nạo vét kênh: Đồng Tiến, Mỹ Hòa, An Phong, Bắc Đông, 61, 78, 21,... đã dẫn nước ngọt từ sông Tiền về rửa phèn, đẩy mặn phục vụ việc tưới tiêu tại các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng đến công tác xây dựng công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu...
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng đến công tác xây dựng công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp…mang lại hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước.
Tại huyện Cần Đước, nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi và có hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các xã – thị trấn tích cực xây dựng thủy lợi nội đồng, tu bổ hệ thống kênh mương; thường xuyên rà soát, kiểm tra các công trình thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai gây ra để tiếp tục đầu tư nâng cấp, khắc phục, sửa chữa. Các địa phương cần phối hợp với đơn vị chủ quản làm tốt việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, điều tiết nước ở những công trình thủy lợi tại địa phương mình.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, vào mùa khô, các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Tân Trụ xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước ngọt hoặc bị nhiễm phèn, mặn làm cho người dân gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Nhằm góp phần cung cấp đủ lượng nước tưới cho cây trồng, khơi thông dòng chảy, thời gian qua, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình đê, cống ở các xã vùng hạ nhằm ngăn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để bảo đảm sản xuất hơn 5.100ha đất nông nghiệp, trong đó có 3.785ha lúa, hơn 900ha rau màu, cây ăn trái và hơn 400ha nuôi, trồng thủy sản, nhiều kênh, mương trên địa bàn huyện Tân Trụ được nạo vét, xây mới. Năm 2022, ngoài các công trình của tỉnh đầu tư, từ nguồn vốn ngân sách hơn 10 tỉ đồng, huyện có kế hoạch đầu tư 11 công trình nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng, xây dựng hệ thống đê bao, cống đầu mối. Năm 2023, huyện triển khai thi công và hoàn thành 9 công trình thủy lợi nội đồng.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, những năm qua, huyện Vĩnh Hưng, tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cho người dân. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng được đầu tư xây dựng 21 công trình thủy lợi, trong đó, tỉnh đầu tư 10 công trình, huyện 11 công trình, tổng vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng. năm 2023, huyện cần đầu tư xây dựng, nâng cấp 19 danh mục công trình thủy lợi, với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Long An, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, tạo điều kiện tái cơ cấu phát triển sản xuất, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ đột biến, triều cường, xâm nhập mặn.
Thanh Tùng
Bình luận