Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 14:11
Thứ hai, 13/06/2022 20:06
TMO - Những năm gần đây, các vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên Internet đang gia tăng một cách đáng báo động. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính của Internet và đặc biệt là các mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán ĐVHD cũng như các sản phẩm ĐVHD nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.
Bên cạnh những loài như khỉ, nhiều động vật hoang dã khác như rái cá, mèo rừng, các loài bò sát... vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, với nhiều hình thức khác nhau. Và vì diễn ra trên internet, các đối tượng có nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng.
Dù không khó để tìm nhưng người có nhu cầu phải biết các từ khóa đã được quy ước như: "bảo tồn", "cần bay", tránh dùng từ mua, bán… Các đối tượng thường từ chối khách tới nhà xem, chỉ gửi ảnh, hoặc "có tâm" hơn thì gọi điện với video.
Chợ “ảo” tận diệt thật
Trong nhóm “Hội chia sẻ bẫy chim thú rừng miền Bắc (Lạng Sơn)” đã kết nối 3,8 nghìn tài khoản Facebook. Những cá nhân tự đi săn, bẫy được cũng mang lên chợ online rao bán. Khách tìm đến mua để làm cảnh, để ăn nhậu,để làm thuốc hoặc mua để bán lại kiếm lời cũng có. Nhiều đầu mối còn rao các loại bẫy thú có tính sát thương cao, thậm chí dạy cách bẫy mèo, chồn, rắn, lợn rừng...
Hoạt động mua, bán ĐVHD tràn lan trên “chợ ảo” (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều loài thú cấm thường xuyên được đăng bán như mèo rừng, sóc bụng đỏ, sơn dương, khỉ,… Có những con vật sập bẫy chết thảm, bị dính bẫy, bị giết hại được các đối tượng đăng lên để hỏi về loài, về giá, để giao bán. Có người còn phân ra các bộ phận đầu, thân, chân, da, móng rồi chụp ảnh đăng bán. Thậm chí, có cả những loài thú rừng bị giết hại rồi để đông lạnh chờ “mối” tiêu thụ.
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng và sự kiểm duyệt thông tin các bài đăng liên quan đến ĐVHD, các đối tượng đã sử dụng các từ khóa được quy ước như: "bảo tồn", "cần bay", tránh dùng từ mua, bán…(Ảnh chụp màn hình)
Mỗi ngày, mỗi giờ, chợ online đều có hàng mới, có khi vừa đăng lên vài tiếng đã báo hết vì có người "chốt đơn". Tại nhóm “Hội chia sẻ bẫy chim thú rừng miền Bắc (Lạng Sơn)”, trong vai người có nhu cầu nhập các loại thú rừng để làm thực phẩm kinh doanh nhà hàng, PV liên hệ theo số điện thoại của một facebook có tên Dung Mỡ. Người này chủ động kết bạn Zalo và gửi báo giá cho PV với hai loại là thú rừng tươi sống và hàng đông lạnh.
Giá sản phẩm là thú rừng được đối tượng gửi qua Zalo cho PV - Ảnh chụp màn hình.
PV ngỏ ý muốn xem kho hàng nhưng bị từ chối vì lý do “trong kho em có mấy con linh tinh ở đấy nên không cho anh xem được, anh lấy con gì thì em chụp ảnh cho anh xem thôi. Em vẫn gửi khách Bắc Ninh, Bắc Giang, cả Hà Nội cũng lấy. Nhưng mấy hàng “ấy” thì không gửi hàng sống được, chỉ mổ sẵn và có quay video trực tiếp, vẫn có tiết cho anh đầy đủ”.
Khi PV hỏi về vấn đề rủi ro trong quá trình vận chuyển, Dung cho biết: “Không có rủi ro, chưa bao giờ mất. Nếu mà gửi con sống thì bọn em chỉ gửi con hon với bạc má thôi, những con xịn mà sách đỏ ấy, thì bọn em sẽ trọc tiết. Tại vì gửi xe quen thì bọn em bảo là dúi, nếu mà mất thì bọn em mất mà chứ anh có mất đâu. Mèo rừng, nai, hoẵng, xạ hương cũng có. Nói chung, cái gì trên rừng cũng có”.
Trên Zalo của mình, đối tượng cũng thường xuyên đăng tải những hình ảnh kèm giá bán về các loại ĐVHD (Ảnh chụp màn hình)
Sau vài ngày, PV tiếp tục liên hệ lại cho Dung với mong muốn mua hàng quý hiếm. Dung cho biết hiện đang có một con khỉ bẫy được với giá 3,5 triệu đồng vẫn đang nuôi, một con mèo rừng còn sống nặng 2,3kg với giá là 800 nghìn đồng/kg, và một con mèo rừng vừa bắn chết có giá 450 nghìn đồng/kg. Ngoài ra còn có cầy hương hàng đông lạnh, cầy bông lau sống. Dung yêu cầu cọc trước từ 100 – 200 nghìn đồng để giữ hàng cho vì con mèo rừng sống cũng đang có khách hỏi mua. Sau đó PV liên hệ lại với lý do có việc phải đi gấp nên không mua nữa, Dung cũng vui vẻ đồng ý vì cũng đang có khách chờ sẵn.
(Ảnh chụp màn hình)
Qua tìm hiểu trên các trang mạng, các "thượng đế" mua mèo rừng phần lớn bình luận để làm thú cưng vì độc, lạ hoặc làm mồi nhậu vì thịt ngọt, thơm. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi nhốt, mèo rừng rất dễ bệnh chết. Dưới bài quảng cáo có không ít than thở: "Mèo của tôi cũng bị tiêu chảy mà chết".
Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP./., mèo rừng được xếp vào loài nguy cấp, quý hiếm ở danh mục IIB. Nếu ở danh mục IB, việc nuôi động vật hoang dã cũng phải có giấy phép. Bởi vậy, hành vi mua bán mèo rừng, nuôi giữ mèo rừng không phép là vi phạm quy định và có thể bị xử phạt tùy mức độ.
Ngoài việc dạy nhau cách phân biệt đâu là hàng rừng, hàng nuôi. Trên các chợ mạng thú rừng còn có nhiều đầu mối còn rao bán công khai các loại bẫy thú có tính sát thương cao, thậm chí dạy cách bẫy mèo rừng, sóc bụng đỏ, chồn, rắn, mèo rừng... Từ bẫy kiềng, cạp với hai hàm răng cưa sắc nhọn, chuyên bẫy lợn rừng, thú dữ; bẫy gậy có dây rút chân, cho đến bẫy lưới trùm úp sọt.
Các tay thợ săn không ngại ngần đưa hình ảnh quảng cáo con thú tội nghiệp đã dính bẫy nằm vật ra đất, thậm chí nhiều con vật tội nghiệp đã chết thảm trong bẫy.
Một tài khoản Facebook đăng tải đoạn video ngắn khoe chiến tích về con cầy vòi mốc dính bẫy cạm (Ảnh chụp màn hình)
"Rửa" động vật hoang dã
Chia sẻ về phương thức buôn bán ĐVHD trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lan Ánh, Trưởng nhóm Hỗ trợ thực thi pháp luật, Tổ chức WCS cho biết: Khi dịch Covid-19 bùng phát, những quy định về giãn cách xã hội cùng với việc hạn chế đi lại và giao dịch trực tiếp đã làm thay đổi phương thức buôn bán của các đối tượng với việc ghi nhận hiện tượng chuyển từ buôn bán, trao đổi trực tiếp sang trao đổi và giao dịch trên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok…”.
Ngoài ra, hiện nay xuất hiện nhiều trại nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại đang trở thành vỏ bọc hợp pháp trong hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép. Tiếp theo đó, việc “rửa” động vật hoang dã được tiến hành theo hình thức tinh vi, trót lọt thông qua hình thức ĐVHD bị nhập lậu vào trại nuôi, hợp pháp hóa bằng cách khai báo sinh sản, mua khống giấy tờ từ cơ sở có đăng ký khác, sau đó được được bán ra ngoài thị trường.
Lực lượng chức năng bắt giữ 17 con hổ lớn nuôi nhốt ngay trong nhà dân tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An gây xôn xao dư luận năm 2021.
Ngoài việc vận chuyển trái phép, thực tế hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp buôn bán ĐVHD tràn lan trên các trang mạng xã hội, buôn bán ở các chợ. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối cần phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng và sự kiểm duyệt thông tin các bài đăng liên quan đến ĐVHD, các đối tượng đã sử dụng các từ “lóng” trong các bài đăng như socola, cao socola, cao 30 để chỉ cao hổ; móc câu, chân dài để chỉ nanh, móng ĐVHD (gấu, hổ); sắn dây, khoai, thịt nạc, măng, hàng đen để chỉ sừng tê giác; gả, trao đổi, bay, yêu, cứu hộ, bảo tồn để chỉ hành động mua, bán…
Các nghiên cứu do WCS thực hiện 2015-2016 và 2018-2019-2020 cũng cho thấy, sự gia tăng về số lần đề cập và số lần đề cập mua bán ĐVHD trên các nền tảng xã hội tăng trong giai đoạn 2015-2016 và 2018-2020. Trong đó, Facebook là nền tảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất để đề cập đến các rao bán ĐVHD trực tuyến.
Việc buôn bán các sản phẩm trên mạng Internet tại Việt Nam được quản lý theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và Nghị định 52/2013/ND-CP về thương mại điện tử. Theo đó, những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ. Những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo quy định áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu.
Với nền tảng kinh doanh trên mạng “miễn phí”, dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính, Facebook đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt, ở đó, người mua chỉ cần đặt yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản của kẻ bán và kẻ bán có thể vận chuyển những sản phẩm này qua đường bưu điện, hoặc thậm chí, sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh EMS và FedEx.
Hiện nay, ngoài Facebook, còn có rất nhiều phần mềm mạng xã hội khác và các website cũng như các diễn đàn điện tử đều có thể quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD. Đây là một trong những thách thức đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và kiểm soát nạn buôn bán ĐVHD.
(Còn nữa)
Thiên Trường
Bài 2. Buôn bán trái phép động vật hoang dã đang là vấn nạn toàn cầu
Bình luận