Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ năm, 04/04/2024 14:04
TMO - Thực tế sản xuất cho thấy, chuyển đổi số góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí trong quá trình canh tác và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng nhiều trong ngành Nông nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp theo phương thức truyền thống sang nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng. Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh mà còn là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Bắc Ninh ước đạt gần 4.000 tỷ đồng, chiếm 2,88% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng trong sản xuất trồng trọt; phương thức chăn nuôi chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá, góp phần nâng cao giá trị sản xuất…
Để các hội viên và bà con nông dân, các đơn vị, tổ chức sản xuất nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng được khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tích cực hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động để nông dân dần tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số nhiều hơn.
Cụ thể Hội Nông dân đã hỗ trợ 4.067 hộ đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART; tập huấn, hướng dẫn phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho 800 hội viên, nông dân; tập huấn về về sở hữu trí tuệ cho 200 hội viên, nông dân. Chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đăng ký 19 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho 13 sản phẩm; hỗ trợ 29 sản phẩm tham gia chương trình OCOP...
Nhiều hộ nông dân đã nhanh chóng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quá trình canh tác, chăm sóc sản phẩm nông sản. Đơn cử như tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, người dân đã đầu tư xây dựng hơn 2 ha nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ tưới tự động, sản xuất rau ăn lá, dưa các loại cung cấp cho nhà hàng, siêu thị lớn, hay một HTX khác đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng tem điện tử thông minh (QR code) truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của HTX.
Chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều hội viên, nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi tuần hoàn khép kín, lắp đặt máng ăn, uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống camera giám sát quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc, cho ăn, phát triển của vật nuôi. Một số nông dân chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp sản xuất con giống (gà, lợn) cũng đưa chuyển đổi số vào trong một khâu hay một công đoạn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng hơn hàng chục hecta nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống quạt gió, được điều khiển qua máy tính hoặc điện thoại thông minh để trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản; một số doanh nghiệp tư nhân cây xanh trên địa bàn huyện Tiên Du, đã đầu tư xây dựng nhà kính có hệ thống cảm biến điều tiết nhiệt độ theo chu kỳ giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng để sản xuất hoa lan...
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số, các hội viên nông dân, người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh mà còn là cơ hội để để ngành nông nghiệp thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang một nền nông nghiệp minh bạch nguồn gốc, giúp nông nghiệp vươn xa và an toàn cho người sử dụng. Người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, có thể kiểm soát tốt thời gian hoạt động của các trang trại, kết nối được với cộng đồng và tối ưu hóa được chi phí sản xuất, tăng cường lợi nhuận.
Đức Vinh
Bình luận