Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ tư, 05/06/2024 08:06
TMO - Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ công nghệ số. Để bắt nhịp với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và công nghệ, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã ứng dụng sàn thương mại điện tử vào quá trình kinh doanh, tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người nông dân. Từ năm 2017 tới nay, Bắc Kạn tổ chức nhiều giải pháp hỗ trợ, hội nghị quảng bá, xúc tiến, kết nối qua đó giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống các siêu thị lớn, đưa hàng trăm sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó các hợp tác xã (HTX) và người dân tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm nông sản lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Thông tin từ đại diện của HTX nông sản trên địa bàn huyện Bạch Thông, với kênh TikTok có hơn 421.000 lượt người theo dõi đã giúp HTX này đạt được những thành công ngoài mong đợi bằng việc bán sản phẩm trên mạng xã hội.
Trước những hiệu quả của sàn thương mại điện tử mang lại trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường, tỉnh Bắc Kạn đã liên tục có những chương trình tập huấn bán nông sản trên mạng xã hội; giúp người dân lập gian hàng và tham gia một cộng đồng bán hàng trên TikTok.
Nhờ đó, các HTX có thêm nhiều bạn bè từ các vùng miền, học hỏi thêm về cách xây dựng kênh và bán hàng trực tuyến. Nhờ lợi thế có kênh TikTok, kênh mạng xã hội được nhiều người biết đến nên những buổi bán hàng livestream của các HTX thu hút hàng trăm lượt xem. Không chỉ có các HTX, các công ty sản xuất về dược liệu tại huyện Bắc Hà, tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng áp dụng sàn thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến.
Các mặt hàng truyền thống như miến dong thái tay, măng khô, trà mát gan, trà giảo cổ lam, trà dây và trà hoa đu đủ bán được khá nhiều. Nếu như những phiên bán hàng livestream ban đầu của các đơn vị chỉ được vài chục đơn hàng thì đến nay có phiên đã bán được hơn 1.000 đơn hàng, mang lại doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhiều HTX do thanh niên làm chủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp, như đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại; xây dựng trang web quảng bá và bán sản phẩm...; đồng thời đa dạng hóa các kênh bán hàng trên các mạng xã hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút khách hàng ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử.
Người dân tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương. (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ hơn 20 sản phẩm OCOP của thanh niên trên nền tảng TikTok. Nhằm nâng cao giá trị, vị thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản địa phương trên thị trường. Tỉnh đoàn Bắc Kạn còn triển khai hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ thiết bị, máy móc hiện đại; cấp mã QR truy xuất nguồn gốc; gắn tem mác, bảo đảm tính minh bạch, công khai và ổn định giá thành.
Các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.
Tháng 3/2023, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đạt thêm bước tiến khi có 2 Hợp tác xã có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử https://www.alibaba.com, một trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Điều này được đánh giá là giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay thương mại điện tử là một trong những trụ cột góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung.
Để tiêu thụ được các sản phẩm nông sản rất cần sự đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa quy trình tiêu thụ, quảng bá sản phẩm là điều cần thiết.
Thu Hương
Bình luận