Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ tư, 14/02/2024 08:02
TMO - Tích cực đổi mới chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cuộc sống để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu mà tỉnh Bắc Kạn đang hướng tới trong giai đoạn 2023-2025.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Bắc Kạn đã từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Bắc Kạn) đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 63 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 12,38 tiêu chí/xã, có 184 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn triển khai với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Để đạt được mục tiêu đó tỉnh đã đưa ra các giải pháp thực hiện bao gồm: Tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức mới về chuyển đổi số tronng xây dựng nông thôn mới; Phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Xây dựng mô hình thí điểm về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; Huy động nguồn lực triển khai chương trình.
Qua đó công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công nhân viên chức được tăng lên rõ rệt. Tỉnh cũng quân tâm, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng số. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 108/108 xã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.292 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia...
Tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở nông thôn. Thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn đã hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính từ đó hướng tới xây dựng chính quyền số.
Tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ giữa các cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ. Đẩy mạnh phục vụ và khuyến khích Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công toàn trình và toàn trình một phần ở cấp xã. Cùng với đó là nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng mạng internet. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong công tác quản lý, tổ chức triển khai, điều hành ở các cấp đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng NTM, xây dựng NTM thông minh.
Bắc Kạn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Ngoài ra phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn cũng là mục tiêu mà tỉnh Bắc Kạn hướng tới. Tỉnh xác định tăng cường ứng dụng công nghệ số theo hướng kinh tế số và kinh tế tuần hoàn qua các hành động cụ thể như đẩy mạnh quá trình số hoá, xây dựng bản đồ nông nghiệp nông thôn, tạo cơ sở dữ liệu, mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…
Cùng với đó là phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Tỉnh nâng cao công tác tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán ví điện tử …Trong tháng 8/2023 để thực hiện thí điểm chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn đã phát động chương trình phổ cập điện thoại thông minh tại 8 xã/phường, trao tặng điện thoại thông minh, hoặc hỗ trợ kinh phí mua điện thoại thông minh.
Thông tin từ tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G tại thôn, bản trên địa bàn tỉnh ước đạt 96%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh ước đạt 73%; tỷ lệ cuộc họp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể (trừ cuộc họp mật) được tổ chức trực tuyến ước đạt 40%. Để quá trình ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xây dựng nông thôn mới thêm hiệu quả bền vững, tỉnh Bắc Kạn còn hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, …đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi tên thị trường cả nước, mở rộng kênh phân phối, nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các địa phương đã hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên nền tảng số. Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… Lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, địa phương này tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, tạo lập cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý thông tin, quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; đồng thời khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số trong nông nghiệp, nông thôn.
Tăng cường áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức triển khai, thông tin truyền thông, đào tạo và tập huấn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Ứng dụng phần mềm quản lý trực tuyến trong công tác: Lập kế hoạch, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn; giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM tại tỉnh Bắc Kạn chính là hình mẫu để các địa phương khác nghiên cứu và nhân rộng hiệu quả.
Thu Phương
Bình luận