Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Chủ nhật, 05/05/2024 07:05
TMO - Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đã khai thác lợi thế của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhờ đó nâng cao giá trị nông sản, đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho người nông dân.
Thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó phải kể chính là ứng dụng công nghệ hiện đại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, việc làm này đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh của ngành nông nghiệp Bắc Giang trong những năm gần đây.
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, vải thiều được tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước, đạt trên 8.000 tấn; trong đó, có hơn 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn thương mại điện tử, đồng thời tiếp cận được nhiều khách hàng trên thế giới. Để có được kết quả này, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã chú trọng triển khai phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã (HTX), nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn, hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán…
Bên cạnh đó tỉnh còn lựa chọn, hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như sàn Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn. Ngoài ra, hỗ trợ một doanh nghiệp của tỉnh tham gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com và bước đầu đã có những khách hàng tại Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức quan tâm.
Không chỉ quan tâm nâng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nhiều HTX tại huyện Lục Ngạn đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản tại địa phương và quảng bá rộng rãi trên các nền tảng TMĐT. Nhờ ứng dụng TMĐT để quảng bá rộng rãi, các sản phẩm nông sản của các HTX đã tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định ở mức cao hơn so với hình thức bán hàng truyền thống. Các phương thức bán hàng, quảng bá sản phẩm nông sản trên mạng Tiktok hay Facebook thu hút đông đảo khách hàng, đặc biệt các đặc sản của huyện Lục Ngạn được khách hàng khắp cả nước quan tâm như: Vải thiều sấy khô, táo tươi, mứt táo, cam, bưởi và mật ong hoa vải...
Nông sản của các địa phương trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Hay tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua ứng dụng công nghệ số, sàn TMĐT, xã Hồng Giang đã quy tụ hơn 40 người có tầm ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng Tiktok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, đông trùng hạ thảo… Chỉ trong vòng 4 giờ, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút gần 1,7 triệu lượt xem, 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ đưa sản phẩm của 5 HTX lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế.
Trước đó tại huyện Tân Yên một số đơn vị cũng mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP như: Vải thiều sớm Tân Yên, vú sữa Tân Yên, măng lục trúc, ổi lê Tân Yên...trên nền tảng TMĐT. Theo đó các sản phẩm nông sản Tân Yên sẽ có các gian hàng. Đối với nhà bán hàng, sau khi đăng ký tài khoản sẽ vào cập nhật, đăng tải hình ảnh, thông tin sản phẩm trên gian hàng của mình. Cùng đó dễ dàng quản lý doanh thu, đơn hàng mới, thống kê doanh thu, hàng tồn...
Ngoài ra tỉnh Bắc Giang còn tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử cho các học viên là đại diện các doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình, thanh niên khởi nghiệp tích cực làm kinh tế mới trên địa bàn huyện… Kết quả, đến nay, Bắc Giang đã có gần 115.000 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Đáng lưu ý, trước xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, Bắc Giang đã triển khai xây dựng chuyên trang thương mại điện tử tỉnh, tích hợp trên Cổng Thông tin của Sở Công Thương nhằm quản lý các website thương mại điện tử và cung cấp thông tin về hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó sẽ phối hợp với ngành chức năng tích cực tổ chức tập huấn về cách quảng bá nông sản online; đầu tư xây dựng thương hiệu tiến đến dán tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hoàn thiện phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử như mã QR Code, ví điện tử… Từ đó tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản qua mạng. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia chương trình chuyển đổi số và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Hải An
Bình luận