Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ hai, 08/07/2024 14:07
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững.
Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào, trong đó đối với nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt của Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu do ba con sông lớn cung cấp là sông Thị Vải (chảy qua tỉnh dài 25 km), sông Dinh (chảy qua tỉnh dài 30 km), sông Ray (dài 120 km). Trên các con sông này có 3 hồ chứa lớn là các hồ Đá Đen, hồ sông Ray, hồ Châu Pha.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 18 hồ nước mặt, hầu hết các hồ này là hồ nhân tạo phục vụ chủ yếu tưới tiêu cho cây trồng và thứ yếu phục vụ cho sinh hoạt. Tổng trữ lượng có thể khai thác hàng năm khoảng 95 triệu m3, nước hồ có chất lượng khá ổn định, ít thay đổi. Trữ lượng nước có thể khai thác phục vụ sinh hoạt tại một số hồ như: Hồ suối Nhum đang khai thác với công suất 10.000 m3 /ngày đêm và dự kiến sẽ nâng công suất khai thác lên 20.000 m3 /ngày đêm, hồ Châu Pha có khả năng cấp 6.000 m3 /ngày đêm, hồ Đá Đen có thể cung cấp 500.000 m3 /ngày đêm cho nhu cầu sinh hoạt, hồ Sông Ray có dung tích 215,36 triệu m3 , có thể cung cấp 535.000 m3 /ngày đêm cho nhu cầu sinh hoạt...
Nguồn nước dưới đất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khá phong phú, tổng trữ lượng có thể khai thác là 70.000 m3 /ngày đêm, tập trung vào ba khu vực chính là: Bà Rịa - Long Điền có thể khai thác khoảng 20.000 m3 /ngày đêm; Phú Mỹ - Mỹ Xuân có thể khai thác khoảng 25.000 m3 /ngày-đêm; Long Đất - Long Điền có thể khai thác khoảng 15.000 m3 /ngàyđêm. Ngoài ba vùng trên, khả năng khai thác nước dưới đất rải rác khoảng 10.000 m3 /ngày đêm. Nước dưới đất chủ yếu nằm ở độ sâu 60-90 m, có dung lượng dòng chảy trung bình từ 10-20 m3 /s nên khả năng khai thác tương đối dễ dàng. Các nguồn nước dưới đất có thể cho phép khai thác tối đa 500.000 m3 /ngày-đêm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho nông nghiệp, công nghiệp và cho sinh hoạt.
Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương, lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 1.500 mm) và phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 90% lượng mưa cả năm và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn nước mặt và nước dưới đất khá phong phú với 4 hệ thống sông chính là sông Thị Vải, sông Dinh, sông Ray, sông Đu Đủ; có 30 hồ chứa nước quy mô lớn, vừa và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ. Tổng lượng nước được tích trữ trong các hồ đập là 318,95 triệu m3 , trong đó dung tích hữu ích khoảng 279,74 triệu m3.
Hồ chứa nước Sông Ray là một trong những công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng của tỉnh, đảm bảo cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhiều địa phương. Ảnh: QV.
Theo số liệu thống kê, hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 nhà máy cấp nước sạch tập trung lớn, nhỏ cung cấp nước cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế đạt khoảng 146.000 m3 /ngày, trong đó khai thác nước mặt chiếm khoảng 87%, nước dưới đất khoảng 13%; tỷ lệ dân cư được cung cấp nước tập trung ở đô thị cơ bản đạt 100%, ở nông thôn đạt 80%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100% số dân nông thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong đó có 80% hộ dân sử dụng nước máy.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN đang hoạt động, trong đó có 14 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, riêng KCN Dầu khí Long Sơn chưa lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nhưng nằm trong quy hoạch phân khu đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Hiện nay, việc sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn được sử dụng nguồn nước từ các nhà máy cấp nước cho khu vực đô thị. Ngoài ra, đối với các Nhà máy lớn trong các KCN còn có hoạt động xin cấp phép tự khai thác nước mặt tại sông Thị Vải - Cái Mép nhằm cung cấp nước phục vụ sản xuất trong nội bộ Nhà máy.
Theo thống kê, hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 103.085 ha đất nông nghiệp, bao gồm: đất trồng cây hàng năm 24.665 m2 (đất trồng lúa 11.077 m2, đất trồng cây hàng năm khác 13.588 m2), đất trồng cây lâu năm 78.420 m2 được phân bố chủ yếu tại huyện Châu Đức, Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống kênh chính, kênh cấp I của công trình hồ chứa nước Sông Ray; đầu tư kiên cố hóa khoảng 241 km kênh mương cấp I, cấp II và các tuyến kênh mương nội đồng.
Hệ thống thủy lợi do tỉnh quản lý gồm 30 hồ chứa, 18 đập dâng, 03 kênh tiêu úng, 01 đê ngăn lũ, 04 đê ngăn mặn, 02 trạm bơm, 04 kè biển và 01 kè sông. Tổng dung tích trữ của các hồ chứa theo thiết kế là 316,31 triệu m3 ; tổng diện tích tưới nông nghiệp khoảng 20.329 ha, diện tích tiêu úng là 3.262 ha, diện tích ngăn lũ là 1.100 ha, diện tích ngăn mặn là 4.900 ha. Tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa là 456,981 km, đạt 65,28%. Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển, với lợi thế diện tích mặt nước lớn, rất thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao...
Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào nhưng do các sông, suối đều nằm ở khu vực có địa hình dốc và ven biển nên nguồn nước có biến động nhanh và phức tạp. Đây cũng là một địa phương chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến mực nước ở nhiều hồ chứa nước tại các địa bàn bị cạn kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bà Rịa - Vũng Tàu còn có quá trình đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số và các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng đã tác động, gây sức ép lớn đến số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và tầng chứa nước.
Công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên nước được địa phương này đặc biệt chú trọng triển khai.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến nhiệm vụ: Bảo vệ môi trường nước mặt (sông, suối, hồ…) phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.
Bảo vệ nước dưới đất lấy phòng ngừa làm chính, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các khu vực bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp khu dân cư tập trung các vùng khan hiếm nước, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt lún đất.
Đảm bảo an ninh tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phù hợp với đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Chủ động nguồn nước cho các nhu cầu sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt, đảm bảo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Phân bổ điều hòa tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh một cách công bằng, hiệu quả. Bảo vệ trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước, bảo vệ chức năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt. Chủ động trong phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên tiểu lưu vực các sông ven biển thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Là cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 được dự báo: nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… đến năm 2025 khoảng 400.000 m3 /ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 835.000 m3 /ngày đêm.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần đảm bảo, tuân thủ các chính sách về tài nguyên nước, đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tập trung đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo đúng quy định, cụ thể: Thực hiện các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các hồ Đá Bàng, hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Suối Các, hồ Núi Nhan, hồ Châu Pha, hồ Kim Long, hồ Suối Nhum…
Đồng thời, rà soát, cương quyết di dời các cụm công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước; Thực hiện theo Bản đồ khoanh vùng bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt trên đia ban tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết đinh 2344/QĐ-UBND ngay 30/8/2016 của UBND tỉnh. Ban hành danh mục các ngành không thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vùng thượng nguồn các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân đã được phê duyệt tại Quyết định 3636/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh...
Để bảo vệ và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước dưới đất Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới cần chú trọng các vấn đề sau: Thường xuyên vận hành quan trắc nước dưới đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khu vực đất liền và huyện Côn Đảo để quan trắc giám sát mực nước, động thái và chất lượng nguồn nước dưới đất; Công bố khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Tăng cường thống kê, điều tra các giếng không sử dụng trên địa bàn tỉnh và trám lấp các giếng khoan hư hỏng, không sử dụng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Chương trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất hàng năm nhằm bổ sung mạng lưới quan trắc tài nguyên nước và theo dõi mối tương quan, động thái mực nước giữa nước dưới đất và mực nước mặt của 04 hồ cấp nước sinh hoạt…
Khuyến khích các doanh nghiệp cũng như đơn vị cung cấp nước sạch có biện pháp thay thế sử dụng nguồn nước mặt thay thế cho việc khai thác nước dưới đất Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có định hướng sử dụng nước mưa, tuy nhiên trong tương lai cần có các nghiên cứu về tiềm năng của loại nước này, khi nước sông, hồ có dấu hiệu suy giảm. Để khai thác nước mưa có hiệu quả sau này, công tác bảo vệ tài nguyên nước mưa cần được quan tâm và nhìn nhận sâu sắc hơn, cụ thể: Nghiên cứu bổ sung hồ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, phát triển công trình thu và lưu trữ nước mưa để tạo nguồn cho các công trình cấp nước quy mô vừa và nhỏ.
Đối với các đảo, khuyến khích khai thác sử dụng nguồn nước mưa, nước mặt. Đầu tư thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình tích trữ nước trong mùa mưa để sử dụng dự phòng, điều tiết cho mùa khô trên toàn bộ các đảo; Tiếp tục tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ phát triển kinh - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo của quốc gia Xây dựng hệ thống hồ trữ nước mưa, nước mặt để cấp nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặt khác, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để tái dụng cho hoạt động sản xuất. Xây dựng và triển khai mạng lưới thu gom nước thải tách riêng với nước mưa để thu gom nước thải đưa về các trạm xử lý nước thải tập trung tại đô thị, khu dân cư trên lưu vực sông đảm bảo đạt tỷ lệ thu gom và xử lý đặt ra theo từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải luôn đặt biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, đồng thời cần có các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển: Cần có chiến lược phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thu hút đầu có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đất đai và thân thiện với môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển. Tập trung vào việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên biển và vùng ven biển; bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm tại các vùng ven biển; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động công nghiệp, du lịch, hàng hải, khai thác vận chuyển dầu khí, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đổ bùn nạo vét luồng giao thông đường thủy, công trình biển…dọc bờ biển, đặc biệt là các khu vực phát triển du lịch, cảng biển.../.
Đức Thuận
Bình luận